Đóng góp ý kiến xây dựng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm (Kỳ 9)

(Tiếp theo kỳ trước)

* Bà ĐOÀN PHƯƠNG NAM, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt:

Khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển cần được xem là quan điểm quan trọng nhất

Trước hết, tôi đồng tình với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Xét tổng quan, dự thảo Báo cáo chính trị là công trình công phu, đã có cái nhìn bao quát và đánh giá sát tình hình thực tiễn, thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Tôi rất tâm đắc với quan điểm: “Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển; phát huy sức mạnh về truyền thống văn hóa, lịch sử và phẩm chất con người Quảng Trị”. Rất nhiều người Quảng Trị thành danh ở mọi miền đất nước và ở nhiều quốc gia thế nhưng vì sao mảnh đất Quảng Trị vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ? Xét ở một khía cạnh nào đó, đã rất lâu chúng ta bỏ quên việc khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển ở mỗi người dân Quảng Trị. Đôi khi thẩm sâu bên trong còn “có chút” tự ti khi nhìn lại “gia sản” còn bộn bề khó khăn.

Đến bây giờ, hình ảnh của Quảng Trị xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội đôi lúc, đôi nơi chưa tạo được dấu ấn. Tôi nghĩ, nên bổ sung vào dự thảo chiến lược xây dựng hình ảnh và quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Quảng Trị ra các tỉnh trong nước và thế giới.

Dự thảo có đề cập việc “Phát huy, đổi mới và nâng cao chất lượng các lễ hội mang nét đặc trưng riêng của Quảng Trị”, theo tôi nên bổ sung thêm việc hình thành và xây dựng các lễ hội mới mang đặc trưng của Quảng Trị.

Quảng Trị với Triệu Phong được chọn là đất khởi nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, là Cam Lộ nơi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương… hoàn toàn có thể xây dựng thành các lễ hội mới với đặc trưng độc đáo của Quảng Trị. Việc hướng tâm linh con người về với nguồn cội, về những giá trị lịch sử của dân tộc là việc cần phải thực hiện hết sức bài bản trong thời gian tới bởi sức sống bền lâu của lịch sử không có gì bằng ghi sâu vào ký ức những giá trị tâm linh.

Tỉnh Quảng Trị hoàn toàn đủ khả năng để tái hiện lại qua các lễ hội, đền thờ… và xây dựng không gian thiêng đặc biệt trên đất Quảng Trị.

* Nghệ nhân Ưu tú KRAY SỨC, thôn A Vương, xã Tà Rụt, huyện Đakrông:

Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những năm qua, người dân xã Tà Rụt nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung đã đoàn kết bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, thực hiện tốt các chính sách văn hóa...vươn lên xây dựng đời sống mới.

Di sản văn hóa của người DTTS ở Quảng Trị phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cùng đất nước, do nguyên nhân chủ quan và khách quan nên nhiều phong tục, tập quán của người DTTS gần như bị mai một, trong đó có văn hóa cồng chiêng.

Vì vậy, tôi đề xuất cần bổ sung cơ chế chính sách đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS ở tỉnh Quảng Trị như tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các địa phương, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc khảo sát, quản lý một cách cụ thể số lượng cồng chiêng và các nghệ nhân dân ca, dân vũ, dân nhạc hiện có. Hỗ trợ kinh phí cho những gia đình, cá nhân còn lưu giữ cồng chiêng và các loại nhạc cụ, làn điệu dân ca các dân tộc có cuộc sống khó khăn.

Có chính sách động viên, khích lệ các thôn, xóm tham gia quản lý hiện vật văn hóa. Ưu tiên nguồn lực cho ngành văn hóa - thông tin, đào tạo cán bộ biên dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Pa Kô, Vân Kiều và ngược lại để truyền thông mở rộng mạng lưới thông tin tận thôn, xóm bằng tiếng dân tộc địa phương. Tập trung đầu tư, hỗ trợ kinh phí và cơ sở pháp lý để thành lập câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại các xã vùng DTTS. Chú trọng đầu tư, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh gắn với du lịch cộng đồng.

* Ông NGUYỄN HỮU TÙNG, Giám đốc Công ty cổ phần Tổ chức sự kiện VNT:

Cần có chính sách tốt hơn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển

Nhiệm kỳ qua, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, trong đó vấn đề phát triển doanh nghiệp được quan tâm. Đặc biệt, tỉnh đã lựa chọn chủ đề năm 2018 là “Năm Doanh nghiệp”, qua đó ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề ra giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp; rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục đối với doanh nghiệp.

Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng qua các năm, đến năm 2020, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh gần 4.000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt 44.827,6 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 44.000 lao động. Tuy nhiên, ở phần giải pháp phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, tôi thấy còn nêu chung chung, chưa cụ thể.

Theo tôi, để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển thì cần có chính sách hợp lý, thu hút nhân tài, khuyến khích con em quê hương có thành tích học tập tốt sau khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học trở về phục vụ cho tỉnh. Đối với các gói thầu xây dựng, cung cấp thiết bị, cung cấp dịch vụ…nên ưu tiên cho các doanh nghiệp có đủ năng lực tại địa phương thực hiện. Đối với các bạn trẻ có những ý tưởng sáng tạo, thiết thực, các dự án vừa và nhỏ có tính khả thi cao nên tạo điều kiện để các bạn có cơ hội thực hiện và phát triển. Cụ thể như giảm bớt một số thủ tục hành chính, tạo điều kiện cấp đất, có chủ trương đầu tư và tạo điều kiện cho các dự án tiếp cận được các nguồn vốn vay thuận lợi để thực hiện.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp đẩy mạnh một số dự án bất động sản có tính khả thi cao vào các khu trung tâm như: Dự án khu đô thị cao cấp, Trung tâm thương mại… Cùng với việc ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế về Quảng Trị thì tỉnh cũng cần quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong tỉnh, các dự án vừa và nhỏ của các doanh nghiệp trẻ tại địa phương.

* Ông NGUYỄN HỮU THẮNG, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:

Cần coi trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ

Mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên trong nhiệm kỳ qua được các cấp ủy đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể trong tỉnh quan tâm, nhưng tôi thấy vẫn có một tỉ lệ không nhỏ thanh, thiếu niên có lối sống lệch chuẩn, thờ ơ với thời cuộc, chạy theo lối sống thực dụng hoặc sa vào các tệ nạn xã hội…

Một thực trạng đáng báo động là tỉ lệ vi phạm pháp luật trong đối tượng thanh, thiếu niên cũng như tỉ lệ ly hôn trong các gia đình trẻ khá cao, điều này rất đáng lo ngại.

Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cần bổ sung một số đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm về công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của tỉnh trong nhiệm kỳ qua.

Từ đó, bổ sung vào phần nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng chuyên trách và toàn xã hội trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ, coi đây là một trong nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Tôi nghĩ nội dung này cần có trong văn kiện đại hội đảng trong nhiệm kỳ tới thì mới có cơ sở cho các tổ chức, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp.

* Bà NGUYỄN THỊ HUYỀN, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa:

Hỗ trợ kịp thời cho các địa phương nhằm từng bước thúc đẩy ngành du lịch phát triển

Những năm qua, ngành du lịch huyện Hướng Hóa đã có bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Huyện tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư phát triển du lịch. Hệ thống hạ tầng cơ sở lưu trú được duy trì, cải tạo và nâng cấp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao. Các di tích lịch sử cách mạng được tôn tạo, phục dựng, xây dựng các điểm du lịch tâm linh. Các danh lam thắng cảnh đẹp, những “cánh đồng điện gió” và vườn hoa tập trung đang đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.

Thời gian tới, tôi đề nghị tỉnh cần tập trung xây dựng các giải pháp hiệu quả; tạo cơ chế, chính sách sát thực, có hướng hỗ trợ kịp thời cho các địa phương nhằm từng bước thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững. Có định hướng quy hoạch một cách tổng thể về phát triển du lịch cho các địa phương, nhất là các vùng có tiềm năng lớn.

Huy động nguồn vốn đầu tư, tăng cường các nguồn lực để tôn tạo các di tích lịch sử, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, khai thác tốt giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa của người Vân Kiều, Pa Cô. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch, thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch loại giỏi; xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.

Phối hợp, liên kết với các địa phương trong khu vực và trên Hành lang kinh tế Đông - Tây trong xây dựng sản phẩm du lịch chung, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch vùng, liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng các tuyến du lịch mới, đặc trưng như du lịch văn hóa cộng đồng, sinh thái, các điểm lưu trú homestay, farm stay; khu nghỉ dưỡng; điểm vui chơi giải trí; du lịch khám phá, mạo hiểm.

* Ông PHẠM XUÂN KHÁNH, Trưởng Ban Xây dựng Đoàn, Tỉnh đoàn Quảng Trị:

Đánh giá và làm rõ thêm các giải pháp nắm bắt tình hình Nhân dân và dư luận xã hội, phối hợp giải quyết tốt các vấn đề nổi lên ở cơ sở

Một trong những yếu tố để tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua là Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc kịp thời nắm bắt tình hình Nhân dân và dư luận xã hội, thông tin và phối hợp giải quyết các vấn đề nổi lên ở cơ sở.

Qua đó, nhiều vấn đề như việc thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị, quản lý đất đai, môi trường, an ninh nông thôn và an ninh tôn giáo…đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời.

Nhiệm vụ kịp thời nắm bắt tình hình Nhân dân và dư luận xã hội, phối hợp giải quyết tốt các vấn đề nổi lên ở cơ sở đã được dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề cập.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy dung lượng dành cho vấn đề này còn ít, cần được nhấn mạnh hơn, đề cập sâu hơn và làm rõ các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng nhiệm vụ quan trọng này. Trong đó, cần coi trọng tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực sự là cầu nối, trung tâm đoàn kết, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

(Còn nữa)

TỔ PHÓNG VIÊN (lược ghi)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=151007