'Đồng hành cùng con' ở Song Phượng
Mỗi tuần 2 buổi, Nhà văn hóa thôn Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng lại sáng đèn từ tối tới khuya với lớp học 'Đồng hành cùng con'.
Tiếng cô giáo giảng bài, tiếng trò ê a tập đọc… như xóa tan không gian yên tĩnh của màn đêm nơi làng quê ngoại thành Hà Nội. Lớp học được Hội Liên hiệp phụ nữ xã phối hợp với Hội Cựu giáo chức xã Song Phượng tổ chức miễn phí, với mong muốn giúp củng cố, bổ sung thêm kiến thức để các em học sinh đạt kết quả cao hơn trong học tập.
Lớp học đặc biệt
Từ 2 tháng nay, mỗi tối thứ ba và thứ năm hằng tuần, Nhà văn hóa thôn Thu Quế lại sáng đèn, đón các em học sinh với nhiều lứa tuổi tụ tập về để được các cô giáo hỗ trợ củng cố kiến thức. Cô giáo Nguyễn Thị Đông (phụ trách một nhóm gồm 3 em học sinh lớp 3, chuẩn bị vào lớp 4), kề sát từng học sinh tỉ mỉ chỉ bảo từng con toán, hướng dẫn tập làm văn…
Theo cô giáo Đông, mỗi em có mức độ tiếp thu khác nhau. “Với bạn học tốt, tôi giao bài nhiều hơn, còn với bạn học kém thì giao bài phù hợp kết hợp với việc dạy bảo kỹ để các em nắm được kiến thức và hào hứng với việc đi học. Tôi cũng cân đối cho các em học đồng đều cả môn toán và tập làm văn. Từ khi mở lớp tới nay, tôi thấy các em tiến bộ hơn, đi học đúng giờ”, cô giáo Đông chia sẻ.
Được biết, cô giáo Đông là giáo viên Trường Tiểu học Song Phượng đã nghỉ hưu, đang sinh hoạt tại Hội Cựu giáo chức của xã. Từ 2 tháng nay, cô cùng nhiều nhà giáo hưu trí tham gia giảng dạy các em học sinh tại địa bàn trong mô hình “Đồng hành cùng con” do Hội Liên hiệp phụ nữ xã tổ chức. Các cô đã từng công tác giảng dạy ở nhiều trường trên địa bàn, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, với chuyên môn sư phạm toán, văn, tiểu học...
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, cô giáo Vũ Thị Chiều, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Song Phượng cho biết, căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký tham gia, các cô phân loại học sinh theo trình độ để xếp lớp. Nhà giáo được phân công phụ trách các nhóm lớp, chịu trách nhiệm nhắc nhở phụ huynh đưa đón con đến học bảo đảm an toàn và đúng giờ. Tất cả học sinh trên địa bàn xã Song Phượng đều có thể đăng ký tham gia, ưu tiên các em học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu. Việc dạy cũng theo cách riêng với từng em, theo kiểu “kèm cặp” từng chút một. Các em hổng kiến thức chỗ nào, kèm chỗ đó.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh trước đây là giáo viên Trường Tiểu học Phương Đình A (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng), nay nghỉ hưu, sinh sống tại quê nhà xã Song Phượng, cho hay: “Khi Hội Cựu giáo chức của xã thông báo về việc mở lớp học “Đồng hành cùng con”, kêu gọi các giáo viên về hưu tham gia hỗ trợ, tôi thấy việc làm rất ý nghĩa. Thấy bản thân có thời gian, có sức khỏe, nên tôi đã hào hứng đăng ký tham gia ngay. Hiện tại, tôi cùng một cô giáo nữa đang phụ trách 9 học sinh là các em tiền tiểu học, lớp 1 và lớp 2. Mỗi buổi học, các em được tập đọc, tập viết và làm toán. Các cô giao bài và hướng dẫn các em làm; chấm và chữa bài. Với những bài các em chưa hiểu thì giảng lại. Lớp chủ yếu là các học sinh học lực còn kém, nên các cô phải hướng dẫn rất cặn kẽ, uốn nắn từng chút một. Cũng có bạn còn mải chơi, đi học quên vở, quên bút, chưa thích học, nên chúng tôi vừa dạy, vừa dỗ để các em yêu thích học hơn”.
Những giờ học miễn phí, cô giáo tận tình, có kỹ năng sư phạm đã giúp nhiều học sinh tiến bộ hơn.
Chị Nguyễn Thị Hiền, ở thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng là phụ huynh của em Nguyễn Thanh Hà (chuẩn bị lên lớp 3) và em Nguyễn Minh Ngọc (chuẩn bị lên lớp 2) đang học tại Nhà văn hóa thôn Thu Quế tâm sự: “Gia đình tôi đông con, nên không có điều kiện cho các con học thêm ở các trung tâm. Vì vậy, khi lớp học mở ra, tôi cho các con theo học với mong muốn các con được củng cố, có thêm kiến thức để vững vàng hơn khi bước vào năm học mới. Các con đi học về, tiếp thu được bài, nên cũng rất vui”.
Còn theo em Tạ Ngọc Anh, sinh năm 2015 đang theo học tại Nhà văn hóa thôn Thu Quế, trước đây, nghỉ hè em chỉ biết đi chơi xung quanh xóm cùng các bạn. Mùa hè này thật đặc biệt, được đi học tối ở Nhà văn hóa thôn, được các cô giáo hướng dẫn học, hiểu bài hơn, em vui lắm.
Chung sức vun đắp cho sự học
Nói về ý tưởng tổ chức mô hình “Đồng hành cùng con”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung cho hay, xuất phát từ thực tế nghỉ hè, nhiều trẻ em cần được hỗ trợ để củng cố thêm kiến thức, nên Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã đưa vấn đề này ra thảo luận và cùng thống nhất mở lớp học miễn phí cho các em học sinh trên địa bàn. Mô hình được sự ủng hộ, đồng ý của Đảng ủy, UBND xã, sự chung sức của rất nhiều cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, việc truyền đạt kiến thức cho các em được các thầy, cô giáo trong Hội Cựu giáo chức xã đảm nhiệm. Trang thiết bị dạy học như bàn, ghế được Trường Tiểu học Song Phượng cho mượn. Địa điểm học được xã bố trí tại Nhà văn hóa thôn Thu Quế. Chi phí điện, nước, phấn, bảng… do Hội Khuyến học xã tài trợ. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng phụ trách tuyên truyền, vận động để học sinh tới lớp và quản lý lớp…
Chia sẻ về cách làm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung cho biết, ngay sau khi kết thúc năm học 2023-2024, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn xã rà soát, nắm danh sách các học sinh có học lực chưa được tốt. Sau đó, Hội giao chi hội phụ nữ các thôn tới từng gia đình để tuyên truyền, vận động cho con em ra học, nhất là các em học bậc tiểu học và trung học cơ sở. Để động viên, khích lệ các em tới lớp cũng như cố gắng học tập, Hội Liên hiệp phụ nữ xã có các phần thưởng nhỏ cho các học sinh có sự tiến bộ trong học tập. Hiện tại, mô hình đang giúp củng cố kiến thức cho hơn 40 em, được chia thành 6 nhóm theo các lứa tuổi và trình độ học khác nhau.
Còn theo Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Song Phượng Vũ Thị Chiều, “Đồng hành cùng con” là mô hình nhiều ý nghĩa. “Với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã, tôi đã động viên các giáo viên về hưu còn sức khỏe tham gia bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Và đã có 10 cô giáo là thành viên trong Hội Cựu giáo chức xã tham gia dạy học”, bà Vũ Thị Chiều thông tin.
Nhớ lại thời gian đầu mới mở lớp, cô giáo Nguyễn Thị Đông, nguyên giáo viên Trường Tiểu học xã Song Phượng tâm sự: “Ban đầu cũng lo lắm! Lo vì sợ không có hoặc ít học sinh theo học, rồi lo mô hình không duy trì được lâu. Thế nhưng, đến giờ có thể khẳng định mô hình đã thành công. Học sinh theo học duy trì ổn định, học nghiêm túc và có hiệu quả. Bản thân tôi, lâu nay, cứ buổi tối hằng ngày là thường đi tập dân vũ cùng chị em trong thôn. Từ ngày tham gia mô hình “Đồng hành cùng con”, việc tập gián đoạn, nhưng tôi vẫn thấy vui, hạnh phúc, vì đã góp sức làm việc có ích cho cộng đồng”.
Nói về mô hình học tập này, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Song Phượng Bùi Văn Đức chia sẻ: “Đồng hành cùng con” là mô hình đầu tiên triển khai trên địa bàn huyện Đan Phượng có sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, có kế hoạch cụ thể, với lực lượng nòng cốt là Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Hội Cựu giáo chức xã và Hội Khuyến học xã. Ngày ra mắt mô hình, xã có mời Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng và Hội Cựu giáo chức các xã bạn đến dự. Lãnh đạo xã Song Phượng hy vọng, hoạt động ý nghĩa của mô hình sẽ tiếp tục được lan tỏa tới nhiều địa phương khác để cùng chung tay xây dựng phong trào học tập rộng khắp.
“Chúng tôi mong muốn lớp học không chỉ diễn ra trong các tháng hè, mà sẽ được duy trì lâu dài. Ngoài toán và văn, chúng tôi muốn mở rộng thêm các môn học: Tiếng Anh và kỹ năng sống…, nhằm mang lại lợi ích thiết thực, đóng góp vào sự nghiệp “trồng người” của địa phương”, ông Bùi Văn Đức nói.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-hanh-cung-con-o-song-phuong-673779.html