Đồng hành cùng doanh nghiệp
Bắc Giang là địa phương có thế mạnh về sản xuất, đặc biệt trong các ngành công nghiệp điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, các sản phẩm công nghệ cao) và dệt may. Một mức thuế đối ứng cao từ Hoa Kỳ có thể dẫn đến những tác động tiêu cực, vì vậy lúc này rất cần sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp.
Khi mức thuế áp cao sẽ làm gián đoạn sản xuất, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Trên thực tế, qua nắm bắt, Sở Công Thương nhận thấy, hiện nay một số đơn hàng của doanh nghiệp trong tỉnh đã bị phía đối tác Hoa Kỳ báo tạm dừng thủ tục xuất khẩu, chờ thông tin từ Chính phủ.
Sự thay đổi trong chính sách thuế từ Hoa Kỳ cũng có thể làm cho đầu tư nước ngoài vào tỉnh giảm sút, các công ty nước ngoài có thể sẽ xem xét lại chiến lược đầu tư vào Bắc Giang nếu thấy xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị ảnh hưởng tiêu cực. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành may mặc, nông sản bị ảnh hưởng lớn.
Việc giảm xuất khẩu và sản xuất sẽ làm giảm thu nhập của người lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng và chất lượng sống tại Bắc Giang. Tỉnh Bắc Giang có thể đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại nếu các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ chốt bị ảnh hưởng. Thu nhập từ xuất khẩu giảm sẽ kéo theo giảm thu ngân sách địa phương và làm giảm đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng, xã hội.
Trong bối cảnh này, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhanh chóng ứng phó bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm các đối tác tiềm năng khác. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, ASEAN... là chiến lược then chốt. Tuy vậy, việc này cần mất thời gian và không mấy dễ dàng.
Để ứng phó với các thay đổi thuế này, các sở, ngành tỉnh đang phối hợp đồng bộ trong hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, tín dụng, thông quan...); tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, góp phần ổn định sản xuất và phát triển kinh tế địa phương. Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật tình hình xuất khẩu, trao đổi thường xuyên với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thị trường, cung cấp thông tin về nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp.
Ông La Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, Sở đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, hệ thống Thương vụ tại các thị trường mục tiêu để thực hiện hiệu quả trong việc triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp; ưu tiên khai thác cơ hội từ các thị trường có hiệp định thương mại tự do.
Về phía hiệp hội, ngành hàng cần chủ động theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tuân thủ quy định thương mại, kinh doanh có trách nhiệm và bền vững; đồng thời thận trọng với nguồn nguyên liệu đầu vào để tránh nguy cơ bị điều tra về gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh thuế quan.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dong-hanh-cung-doanh-nghiep-postid416513.bbg