Đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân bứt phá trong thời đại số

Sáng 15/5, tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị Giới thiệu các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chuyển đổi số trên Cổng Thông tin doanh nghiệp nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu với doanh nghiệp

Chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của doanh nghiệp như: tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu suất lao động; mở ra cơ hội tiếp cận thị trường nhanh hơn, rộng hơn, tăng cường khả năng tương tác với khách hàng thông qua các nền tảng trực tuyến và hệ thống dữ liệu thông minh.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Tư nhân và Kinh tế tập thể Nguyễn Đức Trung.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Tư nhân và Kinh tế tập thể Nguyễn Đức Trung.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số tạo tiền đề cho đổi mới sáng tạo từ mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ cho đến cách thức quản trị. Đây là động lực để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng linh hoạt với thay đổi và phát triển bền vững trong nền kinh tế số.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể cho rằng, chuyển đổi số chính là chìa khóa giúp khu vực kinh tế tư nhân, vốn đang đóng góp gần 50% GDP quốc gia, đồng thời duy trì và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Đây là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, đổi mới sáng tạo và vươn lên mạnh mẽ trong môi trường toàn cầu hóa.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp công nghệ cùng sự đồng hành từ các chính sách hỗ trợ thiết thực của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn có đủ điều kiện để nhanh chóng bắt nhịp với xu thế số hóa. “Việc chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn gia tăng năng lực cạnh tranh và mở rộng cơ hội hội nhập quốc tế trong bối cảnh thị trường liên tục biến đổi”, ông Trung khẳng định.

Quang cảnh Hội nghị Giới thiệu các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chuyển đổi số.

Quang cảnh Hội nghị Giới thiệu các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chuyển đổi số.

Là cơ quan chủ trì triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thuộc Bộ Tài chính, từ năm 2021 đến nay, Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề để chủ động thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

“Với sự dẫn dắt của các tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam, cùng sự đồng hành tích cực từ Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn có khả năng nhanh chóng bắt kịp xu hướng số hóa, từ đó phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, mục tiêu dài hạn là hướng tới xây dựng một hệ sinh thái số hóa năng động, nơi các doanh nghiệp có thể chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ và phát triển hiệu quả trong môi trường số”. Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể.

Song song đó, Cục cũng tích cực huy động các nguồn lực quốc tế từ các tổ chức quốc tế, nhằm đa dạng hóa phương thức hỗ trợ và mở rộng phạm vi tiếp cận cho doanh nghiệp. Cụ thể, Cục đã tổ chức đào tạo trực tiếp cho gần 15.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, xây dựng mạng lưới hơn 300 tư vấn viên chuyển đổi số nhằm hình thành hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện.

Ngoài ra, khoảng 450 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu để xây dựng và triển khai lộ trình số hóa phù hợp với đặc thù ngành nghề và quy mô. Các hoạt động này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, mà còn hỗ trợ cụ thể trong việc ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình quản trị và sản xuất, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với xu thế phát triển của nền kinh tế số.

Hướng tới xây dựng một hệ sinh thái số hóa năng động

Để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp công nghệ trong nước và cơ quan quản lý góp phần hình thành mạng lưới hỗ trợ bền vững, nơi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh hay hợp tác xã đều có cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ số một cách thực chất, tiết kiệm và hiệu quả.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Phạm Hoài Anh - Giám đốc Thương mại 1C Việt Nam cho rằng, sự kiện lần này là cơ hội quý giá để các doanh nghiệp công nghệ như 1C Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ quá trình số hóa một cách toàn diện và phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Bà Phạm Hoài Anh - Giám đốc Thương mại 1C Việt Nam.

Bà Phạm Hoài Anh - Giám đốc Thương mại 1C Việt Nam.

Đại diện 1C Việt Nam cũng cam kết, đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp Việt Nam trong suốt hành trình chuyển đổi số, thông qua việc cung cấp các giải pháp phần mềm quản trị linh hoạt, tối ưu theo đặc thù của từng đơn vị. “Sự đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình số hóa cũng chính là cách chúng tôi thực hiện sứ mệnh đã theo đuổi trong suốt thập kỷ qua tại thị trường Việt Nam”, bà Phạm Hoài Anh chia sẻ.

Trong khuôn khổ chương trình, 1C Việt Nam đã phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể triển khai gói hỗ trợ giá trị 6 tỷ đồng, trợ giúp tối đa 300 doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, tiếp cận Giải pháp quản trị tổng thể (Mini-ERP) - hệ thống tích hợp đa lĩnh vực, qua đó đồng hành cùng doanh nghiệp từng bước số hóa hoạt động quản trị, vận hành và sản xuất.

Bà Bùi Thị Trang - Giám đốc Khối Kế toán, dịch vụ, Công ty Cổ phần MISA.

Bà Bùi Thị Trang - Giám đốc Khối Kế toán, dịch vụ, Công ty Cổ phần MISA.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Trang - Giám đốc Khối Kế toán, dịch vụ, Công ty Cổ phần MISA, cho biết với hơn 31 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - kế toán và quản trị doanh nghiệp, MISA đã phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Điểm nổi bật của các giải pháp do MISA cung cấp nằm ở khả năng liên kết và đồng bộ dữ liệu, giúp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý. Những nền tảng này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 57/NQ-CP về chuyển đổi số mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Không dừng lại ở việc cung cấp giải pháp công nghệ, MISA còn cam kết đồng hành trọn gói thông qua hoạt động đào tạo, tư vấn và chuyển giao đến khi doanh nghiệp có thể vận hành thành thạo. “Mục tiêu cuối cùng là giúp các chủ thể kinh tế chủ động tham gia nền kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển tự chủ, bền vững của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời đại số”, bà Trang khẳng định.

Thanh Hằng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dong-hanh-cung-doanh-nghiep-tu-nhan-but-pha-trong-thoi-dai-so.html