Đồng hành cùng ngành điện, doanh nghiệp cần ổn định hơn là ưu đãi trước mắt
Không cần giá điện rẻ, điều mà nhiều doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn như Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên kỳ vọng là một nguồn điện ổn định, chất lượng và có mức giá hợp lý theo cơ chế thị trường. Bởi với họ, một phút gián đoạn cũng có thể là cả dây chuyền bị đình trệ, hợp đồng trễ tiến độ và thiệt hại không nhỏ.
Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên là một trong những đơn vị tiêu biểu trong ngành công nghiệp nặng tại Việt Nam, với mức tiêu thụ điện năng lớn và liên tục. Tại đây, từng dòng điện truyền qua dây chuyền không đơn thuần làm nóng chảy kim loại, mà còn khơi dậy cả một chuỗi giá trị sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương.
Giá rẻ không quan trọng bằng ổn định và chất lượng
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Giám đốc nhà máy, với các dây chuyền sản xuất vận hành 24/7, bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn điện cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về vật chất và làm chậm tiến độ giao hàng cho đối tác quốc tế. Ông Nguyễn Văn Đạt cho biết:
"Điều doanh nghiệp chúng tôi mong muốn nhất không phải là được sử dụng điện giá rẻ, mà là được sử dụng nguồn điện ổn định, có mức giá hợp lý, đúng theo cơ chế thị trường, và đảm bảo chất lượng. Với doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp nặng, việc được cấp điện liên tục, không bị gián đoạn và đạt chất lượng tốt là yếu tố then chốt, mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất. Khi xảy ra sự cố hay gián đoạn nguồn điện, doanh nghiệp không chỉ bị thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh nói chung. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là trong thời gian tới, ngành điện tiếp tục được đầu tư, duy trì và phát triển bền vững, nhằm cung cấp nguồn điện ổn định, lâu dài cho khối doanh nghiệp."

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên nêu ý kiến tại Tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, sáng 7/5.
Doanh nghiệp chủ động chuyển mình, không còn là “người thụ động dùng điện”
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đạt, trước những áp lực ngày càng lớn mà hệ thống điện quốc gia đang phải đối mặt – từ nhu cầu tiêu thụ tăng cao đến yêu cầu chuyển đổi xanh theo các cam kết quốc tế – doanh nghiệp không thể tiếp tục giữ vai trò là người sử dụng điện một cách thụ động. Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên đã xác định rõ hướng đi: chủ động trở thành một phần của giải pháp, một "người kiến tạo" trong bức tranh năng lượng mới để đồng hành cùng Chính phủ và ngành điện trong lộ trình phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Đạt:"Trong bối cảnh nguồn cung ứng điện và sự phát triển kinh tế lớn đòi hỏi nhu cầu điện rất là cao, doanh nghiệp chúng tôi xác định sẽ đồng hành với ngành điện cũng như với Chính phủ trong sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cũng như các nguồn năng lượng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả. Những năm qua, chúng tôi đã mời các đơn vị có năng lực, trình độ cao kiểm toán điện năng, qua đó đánh giá cũng như đưa ra những phương án tiết kiệm điện năng cho đơn vị. Ngoài ra, chúng tôi cũng nâng cấp và cải tạo các dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất cũng như hiệu suất của thiết bị, áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật, thay đổi các thiết bị có khả năng tiết kiệm năng lượng tốt hơn để qua đó tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp, nhưng vẫn đồng thời duy trì chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cũng cố gắng mức tiêu thụ điện giảm hằng năm. Hiện nay chúng tôi đang hướng tới mục tiêu của Chính phủ về Net Zero đến năm 2050, cũng như chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng mặt trời và điện áp mái… Do đó chúng tôi đang có phương án và kế hoạch chuyển đổi một phần sang sử dụng năng lượng xanh và năng lượng mặt trời, qua đó giảm áp lực cho ngành điện và tăng tính tự chủ sử dụng điện của doanh nghiệp."
Hướng đến Net Zero: Cộng hưởng trách nhiệm giữa nhà nước và doanh nghiệp
Sự ổn định của nguồn điện và tính minh bạch trong cơ chế giá không chỉ là kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, mà còn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng. Từ câu chuyện của Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên cho thấy: Một hệ thống điện quốc gia có khả năng đáp ứng nhu cầu dài hạn của nền kinh tế không thể tách rời khỏi trách nhiệm cộng hưởng giữa nhà nước và doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp là người sử dụng hiệu quả, ngành điện phải là người cung ứng chủ động và linh hoạt. Và nếu nhà nước là bên hoạch định chính sách, thì chính cộng đồng doanh nghiệp là lực đẩy đưa chính sách đó đi vào thực tiễn một cách thiết thực và hiệu quả.