Đồng hành cùng nông dân
Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm nòng cốt trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các cấp hội đã tích cực, chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng mía thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao của hội viên La Mo Nõn ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). Ảnh: NGỌC HÂN
Thông qua nhiều hoạt động, chương trình cụ thể, thiết thực, các cấp hội đã trở thành điểm tựa vững chắc, luôn đồng hành cùng hơn 130.000 hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Tích cực chuyển đổi số
Để nâng cao chất lượng hoạt động hội, giúp hội viên tiếp cận chuyển đổi số, thời gian qua, các cấp hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan tuyên truyền, tập huấn, trang bị kỹ năng, năng lực thực hành, giúp hội viên, nông dân hiểu được vai trò và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Nguyễn Đình Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, hưởng ứng chương trình chuyển đổi số, hội đã chủ động đẩy mạnh việc hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện cài đặt, tạo tài khoản và hướng dẫn sử dụng app nền tảng số Nông dân Việt Nam; cách ứng dụng công nghệ thông tin về chuyển đổi số trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác hội và phong trào nông dân trên nhiều chức năng của app.
Ông Trung cho hay: Từ khi có kế hoạch triển khai cài đặt app Nông dân Việt Nam, cán bộ hội viên rất phấn khởi khi lần đầu tiên tổ chức hội có một nền tảng số chính thức và duy nhất để kết nối hội viên toàn quốc và cập nhật thông tin công tác hội kịp thời, sinh động. Vì vậy, các cấp hội đã triển khai sớm tới từng cán bộ, hội viên và đến nay đã vượt mức chỉ tiêu số tài khoản cài đặt app được giao.
Tiếp tục đồng hành cùng hội viên, thời gian tới, các cấp hội nông dân trong tỉnh sẽ chú trọng đổi mới phương thức hoạt động và đẩy mạnh nâng cao chất lượng các phong trào nông dân. Đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của nông dân trong tình hình mới.
Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Là thành viên của chi hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn trái, sản phẩm bưởi da xanh và ổi ruby của gia đình bà Đỗ Thị Lãnh, hội viên Chi hội thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) có dán tem truy xuất nguồn gốc nên việc ứng dụng công nghệ trong trồng trọt và kinh doanh sản phẩm vô cùng thuận lợi.
“Khi sử dụng app Nông dân Việt Nam, nông dân sẽ nắm bắt kịp thời chỉ đạo, điều hành của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; các thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác hội và phong trào nông dân; thành lập nhóm hội viên kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Ngoài ra, hội viên được cập nhật thông tin về nông nghiệp và thông tin cần thiết trong quá trình lao động sản xuất. Những vấn đề nông dân chưa hiểu đều được giải đáp ngay…”, bà Lãnh chia sẻ.
Cùng nông dân vượt khó, làm giàu
Các cấp hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, tiếp sức cho hội viên phát triển kinh tế, nhất là việc phát huy các kênh dẫn vốn, qua đó tạo bệ đỡ cho hội viên nông dân làm giàu.
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương là mô hình bó chổi của ông Nguyễn Tường Dân, ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa). Theo ông Dân, năm 2019, thông qua hội, gia đình ông được vay 50 triệu đồng để mở cơ sở sản xuất bó chổi đót tại nhà. Với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá bán phải chăng nên chổi ở đây nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Cứ thế, cơ sở sản xuất chổi đót của ông ngày càng mở rộng quy mô và nhiều công đoạn sản xuất được sử dụng bằng máy móc hiện đại; bình quân mỗi ngày sản xuất từ 1.500-2.000 cái chổi, thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
“Được hội nông dân hướng dẫn các thủ tục tham gia Chương trình OCOP nên chổi đót Tường Dân của gia đình tôi đã đạt OCOP 3 sao. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh phía Nam và xuất khẩu sang Úc, Canada…”, ông Dân phấn khởi nói.
Còn theo ông La Mo Nõn, hội viên chi hội thôn Suối Mây, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nhờ tham gia vào chi hội nông dân, ông được học hỏi kinh nghiệm, được chia sẻ, phổ biến những kiến thức liên quan về vốn vay, nắm bắt khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất…, từ đó phát triển bền vững mô hình chuyên canh trồng cây mía, cây keo. Ông Nõn cho hay: Từ diện tích đất sản xuất ban đầu khá khiêm tốn, hiện gia đình tôi đang sở hữu và canh tác hơn 20ha keo, 13ha mía, năng suất mía bình quân đạt trên 70 tấn/ha, keo 80 tấn/ha; cộng với việc kinh doanh các dịch vụ, đã mang lại nguồn thu hơn 1 tỉ đồng mỗi năm; đồng thời tạo việc làm thường xuyên từ việc chặt, bốc mía, khai thác và bốc keo cho hơn 30 lao động ở địa phương, thu nhập mỗi tháng từ 5-7 triệu đồng/người.
Cùng với đó, các cấp hội còn tích cực tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu nông sản và sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ hàng trăm hộ nông dân đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử và tư vấn xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng của hội đạt hơn 2.672 tỉ đồng, quản lý tại 1.417 tổ tiết kiệm và vay vốn. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh quản lý cho vay gần 170 dự án với hơn 1.350 hộ vay, tổng giá trị trên 50 tỉ đồng. Ngoài việc hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện Đề án 24 của Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh hội đã thành lập 99 chi hội và 497 tổ hội nghề nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề với 7.500 thành viên; tạo việc làm cho 8.124 hộ nghèo và giúp 915 hộ vươn lên thoát nghèo…
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202505/dong-hanh-cung-nong-dan-ead11e3/