Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thiết bị mới

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích các tổ chức sản xuất, kinh doanh (đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ) trên địa bàn nghiên cứu chế tạo, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ, thiết bị mới vào hoạt động sản xuất. Qua đó, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tích cực hỗ trợ chuyển giao công nghệ

Thống kê từ năm 2015 đến nay, tỉnh đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ 23 DN chủ trì thực hiện 11 dự án KH&CN cấp quốc gia và 12 dự án cấp tỉnh với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng. Các dự án thuộc một số lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, sản xuất dược liệu... và đều chú trọng đến chuyển giao, làm chủ các quy trình công nghệ, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu, gắn với thị trường hàng hóa, khai thác lợi thế sản phẩm chủ lực của địa phương.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH một thành viên Thiên An (TP Bắc Giang) - đơn vị được chứng nhận là DN KH&CN năm 2023.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH một thành viên Thiên An (TP Bắc Giang) - đơn vị được chứng nhận là DN KH&CN năm 2023.

Đơn cử như dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất sâm tố nữ theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” (thời gian triển khai từ năm 2021-2023) do Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ KL Việt Nam (TP Bắc Giang) chủ trì thực hiện. Đơn vị xây dựng mô hình sản xuất cây giống sâm tố nữ tại xã Song Mai (TP Bắc Giang) với quy mô khoảng 1,5 nghìn m2.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ 23 chủ trì thực hiện 11 dự án KH&CN cấp Quốc gia và 12 dự án cấp tỉnh với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng. Kết quả, nhiều mô hình được hình thành, ứng dụng đem lại hiệu quả cao.

Cây giống phát triển tốt nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính bằng giâm cành (hom thân). Cùng đó, Công ty xây dựng mô hình trồng sâm tố nữ theo một số tiêu chí GACP-WHO tại xã Hồng Kỳ (Yên Thế) và xã Vân Hà (thị xã Việt Yên), tổng quy mô 4 ha; xây dựng mô hình sơ chế, bảo quản sâm tố nữ tại xã Vân Hà, quy mô 200 m2. Nhờ đó, cây dược liệu được kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm.

Một số mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN khác được hình thành sau khi kết thúc dự án nghiên cứu khoa học như: Mô hình sản xuất giống lúa thuần BG6, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi gà lai hướng trứng theo chuỗi giá trị, sản xuất sâm tố nữ, mô hình bảo quản và chế biến một số sản phẩm từ nấm theo chuỗi giá trị… Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình phát triển KT-XH của địa phương; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản; từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN hướng dẫn các DN đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận là DN KH&CN. Hiện toàn tỉnh có 20 DN KH&CN hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất nông nghiệp sạch, dược phẩm, chế biến thực phẩm, nước sạch, sản xuất thuốc thú y…

Theo các chính sách của T.Ư, của tỉnh, một số DN đã được hưởng chính sách ưu đãi. Năm 2023, Công ty TNHH Môi trường mới Bắc Giang (Sơn Động) được hỗ trợ 30 triệu đồng để đăng ký sáng chế; miễn giảm 100% tiền thuê đất nông nghiệp từ năm 2015-2017 cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang; nhiều DN được hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi, hướng dẫn lựa chọn công nghệ tiên tiến, tham gia hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Nâng năng suất, chất lượng sản phẩm

Nhằm giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, đề án, kế hoạch hỗ trợ DN truy suất nguồn gốc sản phẩm, hoạt động đo lường. Cụ thể hóa nội dung này, Sở KH&CN đã tích cực hỗ trợ DN đăng ký mã số, mã vạch; ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa; dấu định lượng; truy xuất nguồn gốc; bảo đảm đo lường...

Năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn FEC, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) và Công ty TNHH Nấm dược liệu Adenco, xã Dương Đức (Lạng Giang) được hỗ trợ tham gia chương trình bảo đảm đo lường cho DN. Cán bộ, nhân viên, người lao động trong các DN được tập huấn, nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn của phòng thử nghiệm, quản lý phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn phương tiện đo độ dài, bảo đảm đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn…

Từ năm 2018 đến nay, 15 DN được hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường, an toàn thực phẩm; áp dụng công cụ 5S với tổng số tiền hơn 310 triệu đồng. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; đáp ứng yêu cầu của thị trường, khách hàng; tăng khả năng cạnh tranh của DN.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN thông tin thêm, hiện các DN trên địa bàn đã quan tâm đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị; tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, đa số DN có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế nên thường gặp khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, thông tin công nghệ mới, thị trường tiêu thụ, chuyển giao tri thức công nghệ tiên tiến trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.

Thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với DN thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ KH&CN. DN quan tâm, giành nhiều thời gian tham gia các chương trình, hội thảo, hội nghị về KH&CN; chủ động liên hệ với các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở để nắm thông tin, tiếp cận những tiến bộ KH&CN mới, phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/419977/dong-hanh-ho-tro-doanh-nghiep-ung-dung-cong-nghe-thiet-bi-moi.html