Đồng hành, tiếp sức xây dựng nông thôn mới - Bài 2
Bài 2: Địa chỉ tin cậy của người dân
Phát huy vai trò của người đại biểu dân cử, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các đại biểu HĐND tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân.
Lắng nghe tiếng lòng của người dân
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở địa phương, HĐND tỉnh luôn coi trọng hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri... về việc thực hiện các chính sách xây dựng NTM trên địa bàn, góp phần bảo đảm các chính sách được triển khai đúng và có hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh tổ chức 48 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó, thực hiện 3 cuộc giám sát, 3 cuộc khảo sát liên quan đến kết quả triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri nhận thấy những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14, ngày 10/1/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo trực tiếp, giao Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại các xã đã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế cho thấy, sau sắp xếp tỉnh có 9 huyện, 1 thành phố; 161 đơn vị hành chính cấp xã; 1.462 đơn vị cấp xóm; bộ máy công quyền của đơn vị hành chính cấp xã mới chính thức hoạt động. Theo đó, tại các đơn vị thực hiện sáp nhập có sự chuyển biến và nhiều tác động đến lộ trình xây dựng NTM tại các địa phương.
Điển hình như xã Minh Tâm (Nguyên Bình) công bố đạt chuẩn NTM ngày 13/1/2016, sau khi sáp nhập 3 xã: Lang Môn, Bắc Hợp, Minh Tâm thành xã Minh Tâm mới đã không đạt chuẩn; 2 xã Đào Ngạn, Phù Ngọc (Hà Quảng) về đích NTM năm 2018, 2019 trước khi sáp nhập thành xã Ngọc Đào năm 2020, sau sáp nhập nhiều tiêu chí bị xáo trộn, cần được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp. Chủ tịch UBND xã Minh Tâm Lục Văn Minh cho biết: Sau sáp nhập, một số tiêu chí tăng khối lượng như: giao thông, thu nhập, môi trường...; ngoài ra, một số chỉ tiêu trong các tiêu chí NTM của xã có nguy cơ quay trở lại không đạt chuẩn vì kinh phí đầu tư cho duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất không kịp thời nên xuống cấp đã đặt ra thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn. Ngoài những khó khăn trên còn một số vướng mắc như: sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức dư thừa; giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến nhân thân, tài sản của người dân...

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tại gia đình ông Ma Văn Lê, xóm Đông Sơn, xã Minh Tâm (Nguyên Bình).
Để tiếp tục giải quyết những khó khăn các xã đang gặp phải, sau cuộc giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh và Ban Dân tộc HĐND tỉnh, những kiến nghị, đề xuất được UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp thu, UBND tỉnh có văn bản gửi Chính phủ, bộ, ngành Trung ương xem xét việc giãn cách thực hiện các quyết định, có thể áp dụng giai đoạn sau vì khi triển khai gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và các học sinh. Đồng thời, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2021 - 2025 cho các đối tượng không còn thụ hưởng do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, Quyết định số 612/QĐ-UBDT như: chính sách bảo hiểm y tế, phát triển giáo dục mầm non, tín dụng ưu đãi, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM tiếp tục được hưởng chính sách đến hết năm tài chính của năm được công nhận, vừa tạo điều kiện cho đơn vị quản lý dễ triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch, vừa khuyến khích các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, tạo điều kiện giúp các xã khu vực II, III của tỉnh được hỗ trợ phát triển toàn diện. Đối với chính sách vay vốn sản xuất, kinh doanh, đề nghị tỉnh bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trên địa bàn các xã bị tác động trong giai đoạn 2021 - 2023 nhằm bù đắp phần thiếu hụt nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế do thay đổi cơ chế, chính sách.
... Đến bàn nghị sự
Những khó khăn đối với các xã đạt chuẩn NTM hiện nay tại các địa phương là vấn đề nóng được đại biểu HĐND tỉnh Tô Vũ Ninh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp quan tâm, đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thái Hà cho biết: Hiện nay, số tiêu chí đánh giá theo tiêu chí mới bị tụt nhiều, bình quân các xã chỉ còn 10,23 tiêu chí, phấn đấu về đích NTM vô cùng khó khăn. Các huyện thực hiện phương án lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư hạ tầng để đưa từng tiêu chí về đích. Tuy nhiên mục tiêu 3 chương trình không đồng bộ với nhau, cả giai đoạn tỉnh bố trí 330 tỷ đồng cho cả chương trình 19 xã thì không đáng kể. Năm 2024, chỉ còn 17 xã NTM được ghi vốn duy trì các tiêu chí, các xã còn lại không được do trùng với 2 chương trình nên không có nguồn lực thực hiện các mục tiêu. Dự báo năm 2025, mục tiêu đề ra đến nay là không thể đạt được. Tuy nhiên, mục tiêu giai đoạn này có thể không đạt được nhưng phấn đấu làm tiêu chí nào chắc tiêu chí đó và để cuộc sống người dân được thay đổi, đời sống không còn khó khăn. Sở tham mưu UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh mục tiêu nhiệm vụ thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng có 1 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Thành phố); số xã đạt chuẩn NTM 30 xã, số xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao 5 xã, số xã kiểu mẫu là 1 xã, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận tại Thông báo số 3815/TB-BNN-VPĐP, ngày 28/5/2024 về việc điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 giao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lê Lai (Thạch An) Nông Thế Hoài bày tỏ: Phát huy vai trò của cơ quan dân cử, trong suốt quá trình xây dựng NTM, các cơ quan HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân. Các ý kiến của cử tri được tiếp thu, tổng hợp, phản ánh, kiến nghị đến UBND tỉnh và các ngành chức năng theo quy định. Trên cơ sở kiến nghị của các đại biểu HĐND, Thường trực HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo bộ phận, đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét, giải quyết và trả lời ý kiến của cử tri. Những kiến nghị được giải đáp kịp thời góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền trong việc bảo vệ, chăm lo đời sống người dân. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp công, góp sức chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM.
Tại phiên chất vấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê nhấn mạnh: Xây dựng NTM là một quá trình liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Công nhận đạt chuẩn NTM mới chỉ là mục tiêu ban đầu, các địa phương cần nỗ lực không ngừng để đảm bảo duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí bền vững và xây dựng xã NTM nâng cao. Đây trước hết là nhiệm vụ của chính quyền địa phương và vai trò của chủ thể - người dân trong xây dựng NTM. Lãnh đạo các ngành trả lời chất vấn, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt các giải pháp đề ra, xử lý có hiệu quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc đại biểu đã chất vấn; các đại biểu HĐND tỉnh dành thời gian theo dõi, giám sát việc thực hiện các giải pháp mà UBND tỉnh, thủ trưởng cơ quan chuyên môn đưa ra để kỳ họp sau báo cáo HĐND tỉnh.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dong-hanh-tiep-suc-xay-dung-nong-thon-moi-bai-2-3174047.html