Đồng hành với hội viên phát triển kinh tế
Xác định việc hỗ trợ các hội viên phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực.
Gia đình chị Nguyễn Thị Minh Thu, ở xóm Khuôn Năm, xã Phúc Xuân, hiện có trên 2ha chè giống trung du đã 3 năm tuổi, toàn bộ được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Khi biết Hội LHPN xã Phúc Xuân triển khai cho vay vốn tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị đã được tiếp cận 2 nguồn vốn vay là giải quyết việc làm và nước sạch, với tổng số tiền 70 triệu đồng.
Chị Thu cho biết: Số tiền vay không nhiều nhưng thực sự rất cần thiết. Năm ngoái tôi vay đúng vào thời điểm diện tích chè cần tăng cường phân bón để thu hái lứa chè đầu tiên. Do được chăm sóc nên lứa chè đầu tiên gia đình tôi đã thu được trên 70kg chè búp khô. Chè hiện nay phát triển rất tốt, dự kiến lứa chè tới, gia đình thu được trên 1 tạ búp khô.
Tương tự như gia đình chị Thu, nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội LHPN xã Phúc Xuân, gia đình chị Trần Thị Nghĩa, ở xóm Khuôn Năm, đã đầu tư trồng cây ăn quả. Với diện tích trên 2ha, chị trồng nhiều loại cây khác nhau, như: bưởi, hồng xiêm, mít thái… Bình quân mỗi năm, gia đình chị thu nhập từ trồng cây ăn quả trên 600 triệu đồng.
Chị Nghĩa chia sẻ: Làm bất cứ nghề gì cũng cần có vốn đầu tư. Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp đã tạo điều kiện giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế.
Cho vay vốn là một trong nhiều hoạt động do Hội LHPN xã Phúc Xuân triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Hiện, tổng dư nợ từ các ngân hàng do Hội LHPN xã đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn đã đạt trên 10 tỷ đồng, với trên 300 hộ vay.
Chị Phạm Thị Đức, Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Xuân, cho biết: Hội hiện có 1.650 hội viên, sinh hoạt tại 8 chi hội. Phúc Xuân là vùng chè đặc sản của TP. Thái Nguyên, do vậy, nguồn vốn vay hầu hết các hội viên đều sử dụng để trồng, chăm sóc chè. Qua rà soát, đánh giá, tất cả vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả kinh tế và đặc biệt không có nợ xấu, nợ quá hạn. Thu nhập bình quân từ các mô hình kinh tế của hội viên đạt từ 600 triệu đến trên 1 tỷ đồng, không còn gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo.
Ngoài hỗ trợ nguồn vốn vay, Hội LHPN xã Phúc Xuân còn triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm giúp đỡ hội viên, như: phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, cây ăn quả (bình quân, mỗi năm từ 1-2 lớp); hỗ trợ cây con giống; giới thiệu tư vấn việc làm; hỗ trợ nhau ngày công thu hái chè…
Ngoài ra, các hoạt động như: Thăm hỏi, giúp đỡ gia đình các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, tết; hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm tình thương”… cũng được Hội LHPN xã Phúc Xuân thường xuyên triển khai.
Chị Phạm Thị Đức cho biết thêm: Để thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ hội viên, Hội LHPN xã thường gắn với các chương trình, cuộc vận động, như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”; “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm, vay vốn; phối hợp đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo nghề cho hội viên; duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…