Đồng hành với nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã tập trung đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông; phối hợp kiểm tra, giám sát, quản lý thuốc bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm; xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm, thông tin: Để bà con thay đổi phương thức sản xuất, Trung tâm đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, nội dung tập trung về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Có kỹ thuật nhiều hộ chủ động chọn mô hình kinh tế phù hợp, cho hiệu quả cao. Đã có nhiều mô hình thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, như: trồng cây ăn quả ở xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong; chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả ở xã Chiềng Sơ, Huổi Một, Mường Hung…

Nông dân xã Yên Hưng kiểm tra diện tích ngô ngọt cung cấp cho nhà máy chế biến.

Nông dân xã Yên Hưng kiểm tra diện tích ngô ngọt cung cấp cho nhà máy chế biến.

Bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện, Trung tâm hướng dẫn nông dân triển khai các vụ sản xuất đúng theo khung thời vụ; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức 7 lớp tập huấn và 172 cuộc tuyên truyền, hướng dẫn trồng và chăm sóc dứa Queen; phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng; chăm sóc nhãn, xoài sau thu hoạch. Phối hợp triển khai mô hình khảo nghiệm giống lúa mới tẻ thơm N91, nếp thơm NV1, NV3 quy mô 3.000m2 ở xã Chiềng Cang, Huổi Một; thử nghiệm phân bón hữu cơ cho 1,8 ha lúa của Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc tại bản Chiềng Cang, xã Chiềng Cang… Tổ chức 2 cuộc hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình trồng rau chân vịt tại xã Yên Hưng, quy mô 3 ha; đánh giá kết quả giống ngô lai CP 519. Hướng dẫn nhân dân chăm sóc 50 ha dứa Queen cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Giao.

Chia sẻ với chúng tôi về việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ông Lê Thanh Nghị, bản Tân Tiến, xã Chiềng Sơ, cho biết: Qua tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình đã chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Chất thải từ chăn nuôi được sử dụng bón cho cây nhãn ghép. Mỗi năm, gia đình xuất bán từ 10-12 tấn lợn thương phẩm, 10-12 tấn quả nhãn tươi, thu trên 200 triệu đồng. Thu nhập ổn định, năm 2022, gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà mới khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Cán bộ xã Huổi Một hướng dẫn nông dân chăm sóc cây ăn quả.

Cán bộ xã Huổi Một hướng dẫn nông dân chăm sóc cây ăn quả.

Trước đây, hơn 8 ha đất của gia đình ông Vì Văn Loan, bản Co Kiểng, xã Huổi Một, chủ yếu trồng ngô, sắn và cây nhãn giống địa phương, hiệu quả kinh tế không cao. Được cán bộ khuyến nông tư vấn và đi học hỏi các mô hình khác, năm 2016, ông Loan chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng cây bưởi da xanh, cam và nhãn miền thiết. Gia đình ông còn đầu tư nuôi 15 con trâu, bò; đào ao rộng 600m2 để nuôi cá, tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Ông Loan chia sẻ: Có kết quả như ngày hôm nay là nhờ cán bộ khuyến nông giúp chúng tôi tiếp cận khoa học - kỹ thuật; tư vấn mô hình kinh tế phù hợp.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh về quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, giám sát các hoạt động triển khai dự án, các mô hình khuyến nông đã và đang thực hiện; tổ chức điều tra, dự tính, dự báo sinh vật hại cây trồng.

Nông dân xã Chiềng Sơ phát triển chăn nuôi gia súc.

Nông dân xã Chiềng Sơ phát triển chăn nuôi gia súc.

9 tháng qua, trên địa bàn xã Yên Hưng có 4 con bò bị chết nghi mắc bệnh viêm đường tiết niệu, Trung tâm đã phối hợp với UBND xã, thú y xã, trưởng bản hướng dẫn nông dân cách ly gia súc mắc bệnh, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; khi phát hiện gia súc ốm, báo ngay cho UBND xã và thú y xã để kịp thời chữa trị. Những con ốm và con chết tuyệt đối không mổ, vứt xác bừa bãi, nghiêm cấm không được tự ý bán chạy khi đang có dịch bệnh. Nhờ vậy, dịch bệnh không lây lan rộng.

Nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã tiếp tục đổi mới phương pháp tập huấn; tăng cường hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật. Duy trì và nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc; hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích trồng cây năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Bài, ảnh: Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/dong-hanh-voi-nong-dan-trong-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-xRawicMSg.html