Đồng loạt kiến nghị hạn chế tốc độ phát triển của điện mặt trời
Nhiều đơn vị kiến nghị cần xem xét hạn chế việc phát triển điện mặt trời với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua.
Nhiều đơn vị liên quan cho rằng, cần hạn chế tốc độ và quy mô quá lớn của NLTT như trong thời gian qua khi đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, sau thời gian lấy ý kiến từ các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và thông qua các cuộc họp Hội đồng thẩm định, Quy hoạch điện VIII đã được kết luận đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Cụ thể, ngày 18/3, Hội đồng đã họp lần 2 để bỏ phiếu thông qua báo cáo thẩm định Đề án Quy hoạch điện VIII và nội dung Đề án, Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Kết quả, Đề án đã được thông qua với số phiếu tuyệt đối 26/26. Trong đó, có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa. Nhưng có tới 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung, chỉnh sửa của Đề án.
Trước đó, nhiều đơn vị liên quan cũng đã góp ý về dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần bổ sung điều chỉnh. Từ đó, Bộ Công thương cũng đã tổng hợp các ý kiến góp ý chính và ý kiến giải trình của đơn vị Tư vấn lập Quy hoạch Điện VIII theo quy định tại Luật Quy hoạch.
Đơn cử, tại bản góp ý, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Công ty truyền tải điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung đều cho rằng: Trong dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh, như 2045 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%.
Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh và đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,…
Do đó, các đơn vị này đề nghị phải rà soát tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã quy định “Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045".
Ngoài ra, cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.