Đồng lòng vượt khó, các chỉ tiêu tăng trưởng khả quan
Ngày 10/7, tại Đà Nẵng, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Thực hiện quyết liệt công tác cổ phần hóa
Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, do mưa đá, hạn hán, xâm ngập mặn...đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của toàn bộ các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, nhưng Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đoàn kết, thống nhất, chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ ngành, trên cơ tập trung đổi mới trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, quản lý và điều hành.
Bằng sự nỗ lực, cố gắng cao của Ban Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên, Tập đoàn đảm bảo cân đối lớn về hàng hóa cho nhu cầu của nền kinh tế; đảm bảo việc làm và thu nhập cho 20 nghìn người lao động với mức lương bình quân 8,7 triệu đồng/người/tháng.
Kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn 6 tháng 2020 cho thấy, các chỉ số đều khả quan. Trong đó, nhóm các công ty con, doanh thu 6 tháng ước đạt 19.971 tỷ đồng. Lợi nhuận các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lỗ 1.907 tỷ đồng. Các đơn vị còn lại ước lãi 882 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019. Nộp NSNN 6 tháng ước đạt 670 tỷ đồng. Nhóm Công ty liên doanh, liên kết: Doanh thu của 2 Công ty liên doanh (cao su INOUE, TPC VINA) mà Tập đoàn trực tiếp tham gia góp vốn ước 6 tháng đạt 2.208 tỷ đồng; Các công ty liên kết như NET, Cao su Sao vàng, XNK Hóa chất, XNK Hóa chất Miền Nam doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng ổn định.
6 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn đã thực hiện quyết liệt công tác cổ phần hóa và thoái vốn tại một số doanh nghiệp theo Quyết định số16/QĐ-TTg ngày 05/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 3077/BCT-TC ngày 19/4/2018 của Bộ Công Thương.
Trong quý III năm 2020, Vinachem đặt mục tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 9.622 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 28.065 tỷ đồng; Doanh thu đạt 10.210 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 30.181 tỷ đồng. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn dự kiến quý III lỗ 546 tỷ đồng, trong đó các đơn vị thuộc Đề án 1468 lỗ 930 tỷ đồng, các đơn vị còn lại lãi 384 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng các đơn vị còn lại lãi 1.266 tỷ đồng (tăng lãi 157 tỷ, tương đương tăng 14% so với 9 tháng năm 2019).
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết
Để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh quý III và năm 2020, ngoài những nỗ lực, cố gắng của Tập đoàn và các Công ty thành viên, Tập đoàn kính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước báo cáo Chính phủ, Quốc hội có ý kiến với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, tích cực hỗ trợ giải quyết các nội dung đang rất cấp thiết.
Thứ nhất là đẩy nhanh việc trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0%; Sửa Luật số 106/2016/QH13 để sản phẩm phân bón xuất khẩu được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và dự án đầu tư sản xuất phân bón được khấu trừ thuế GTGT đối với các thiết bị máy móc vật tư cho dự án; sửa Nghị định 122/2016/NĐ-CP như sau: bãi bỏ khoản 4, điều 4 Nghị định 122/2016/NĐ-CP.
Thứ hai, về khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại cho các Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai: Vinachem đề nghị cơ cấu kéo dài thời hạn vay; Không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả; Điều chỉnh lãi suất tiền vay; Được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; Có giải pháp đặc thù về xếp nhóm nợ; tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động.
Thứ ba, đối với xử lý chất thải thạch cao PG: Cần có chính sách ưu đãi về thuế để xử lý chất thải thành nguyên liệu cho phụ gia sản xuất xi măng, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10%; Cho phép tồn trữ tại bãi chứa thạch cao PG phát sinh từ 2 nhà máy sản xuất phân bón DAP của Tập đoàn.