Đồng lòng xây dựng nông thôn mới
Xã Hàm Ninh, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) vừa đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của chính quyền địa phương và đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Theo đồng chí Huỳnh Văn Son - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hàm Ninh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của xã đã tổ chức rà soát thực trạng nông thôn tại địa phương để làm cơ sở thực hiện các tiêu chí, kế hoạch năm và chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.
“Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ từng thành viên, chủ động phối hợp các đoàn thể và cơ quan, bộ phận chuyên môn thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tổ chức, đánh giá từng tiêu chí, hướng dẫn, uốn nắn, chỉ đạo các ngành thực hiện tốt kế hoạch đề ra; phát huy tốt vai trò giám sát của cộng đồng. Xã chú trọng phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, người dân là trung tâm”, đồng chí Huỳnh Văn Son cho biết.
Để huy động được sức dân trong xây dựng nông thôn mới, cán bộ, đảng viên xã Hàm Ninh và từng ấp thể hiện vai trò nêu gương để người dân noi theo. Đồng chí Trương Hoàng Duy - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh cho biết, hầu hết công việc của ấp khi triển khai đến dân, cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện đầu tiên.
Đồng chí Trương Hoàng Duy nói: “Điển hình như trong xây dựng giao thông nông thôn, trước khi vận động người dân, cán bộ, đảng viên phải đóng góp tiền trước. Nhiều đảng viên còn hiến đất để làm đường. Có như vậy mới vận động nhân dân được”. Theo đồng chí Duy, trên địa bàn ấp có nhiều tuyến đường được người dân đóng góp từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng. Nhiều đảng viên hiến đất làm cùng lúc nhiều tuyến đường.
Ông Lê Hồng Minh Thiện (64 tuổi) - tổ trưởng tổ nhân dân tự quản số 6, ấp Rạch Hàm kể, trước đây tuyến đường dài 345m của tổ là đường đất, sình lầy mỗi khi mưa. “Học sinh và người dân đi lại rất khó khăn. Khi trời mưa, người dân chỉ có thể đi bộ. Tôi có 10 đứa cháu, đứa nào đi học cũng cực”, ông Thiện nói. Trước thực tế đó, xã Hàm Ninh tranh thủ nguồn vốn đầu tư theo cách Nhà nước và nhân dân cùng làm tuyến đường ở tổ nhân dân tự quản số 6, ấp Rạch Hàm.
Theo đó, người dân đóng góp 40% kinh phí xây dựng đường trong tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng. “Từ khi con đường hoàn thành khang trang, chiều ngang 4m làm náo nức lòng dân trong tổ. Ai nấy đều vui mừng”, ông Thiện nhớ lại. Đường hoàn thành nhưng vẫn chưa có điện quốc gia. Thấy vậy, ông Thiện tự nguyện bỏ tiền túi trước để đầu tư đường điện với kinh phí hơn 130 triệu đồng. Những người dân sau đó đóng góp tiền cùng với ông để có điện quốc gia sử dụng, không trông chờ vào Nhà nước.
Theo Ủy ban nhân dân xã Hàm Ninh, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã có tổng cộng 26 tuyến đường Nhà nước và nhân dân cùng làm, 6 tuyến đường Nhà nước đầu tư. Tổng kinh phí xây dựng 32 tuyến đường gần 7,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 2,1 tỷ đồng. Chính nhờ sự đồng thuận của nhân dân nên hiện nay 100% đường ngõ, xóm trên địa bàn xã không lầy lội vào mùa mưa.
Ngoài tiêu chí về giao thông, chính nhờ sự đồng thuận của người dân và sự quan tâm lãnh đạo của chính quyền địa phương nên các tiêu chí khác đều đạt cao. Đến nay xã Hàm Ninh có 99,2% số hộ dân có điện lưới quốc gia sử dụng, 3 trường học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người hơn 53,7 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo.
Cách làm của xã Hàm Ninh giúp địa phương thay da đổi thịt từng ngày, diện mạo khang trang, sạch, đẹp hơn trước rất nhiều. Đời sống người dân thay đổi rõ rệt. “Kết quả đạt được ngày hôm nay là nhờ người dân hiểu được ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, đồng lòng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mọi việc”, ông Lê Hồng Minh Thiện chia sẻ.