Động lực chính sách tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư đổi mới sáng tạo

Nhìn nhận Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn về đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là về năng lực cạnh tranh công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến; đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…

Việt Nam rất chú trọng thúc đẩy ĐMST. Ảnh minh họa

Việt Nam rất chú trọng thúc đẩy ĐMST. Ảnh minh họa

Nỗ lực đổi mới sáng tạo, hoàn thiện chính sách nhằm bứt phá vươn lên

Những năm qua, Việt Nam rất chú trọng thúc đẩy ĐMST. Nỗ lực này đã được định lượng bằng những con số cụ thể, như: Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 DN khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh ĐMST, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Thế giới cũng ghi nhận những nỗ lực trong ĐMST của Việt Nam khi hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 56/100 quốc gia, đặc biệt Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã lọt vào Top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.

Thứ hạng của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cũng xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2024 của Việt Nam ở vị trí 44/133 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2023 và tăng 4 bậc so với năm 2022. Cùng với đó, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Việt Nam theo xếp hạng của Liên hợp quốc cũng tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia năm 2023 lên vị trí 71/193. Những kết quả bước đầu này rất đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh ĐMST đã trở thành xu hướng khách quan không thể đảo ngược. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, ĐMST nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và ĐMST, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Với tầm quan trọng “đột phá của đột phá”, Chương trình sẽ mở ra nhiều cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu và thu hút các DN, tập đoàn lớn trên thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong vai trò cơ quan tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Trung tâm ĐMST Quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm ĐMST và khởi nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị của ĐMST ra cộng đồng DN và người dân.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Chia sẻ một tin vui, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, sắp tới, Bộ KHĐT có kế hoạch xây dựng một cuộc cải cách mạnh mẽ đối với các DN; đặc biệt là về cơ chế, chính sách. Trong đó, Bộ xây dựng dự thảo chính sách trên quan điểm, đối với các DN bán dẫn, DN AI, DN công nghệ cao nằm trong các dự án đang khuyến khích xây dựng, hoặc nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất thì không cần phải xin chấp thuận đầu tư mà chỉ cần đăng ký đầu tư và trong 15 ngày là sẽ được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. “Khi DN được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư xong là có thể triển khai ngay, không cần phải làm thủ tục về xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy..., tức là đơn giản hóa tối đa hết mức. Cố gắng thiết kế một luồng xanh, “line xanh” cho các DN này” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, những động lực từ chính sách sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa mong muốn thu hút được các DN ĐMST, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, vừa tạo ra thế mạnh vượt trội với giá trị gia tăng cao, vừa tạo sự lan tỏa tới các DN trong nước, giúp nền kinh tế phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Xây dựng tương lai bền vững, thịnh vượng nhờ đổi mới sáng tạo

Đón nhận những tín hiệu chính sách sẽ mở hơn, thông thoáng hơn tới đây, bà Sarah Kemp - Phó Chủ tịch quan hệ chính phủ quốc tế của Tập đoàn Intel cho biết, từ năm 2016, Intel đã có mặt tại Việt Nam với những dự án sẵn sàng cho sự phát triển của công nghệ số. Đúng như lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “nếu muốn đi xa, phải đi cùng nhau”, chúng tôi luôn nỗ lực làm sao để tất cả mọi người làm việc cùng nhau. Tại Việt Nam, AI sẽ có mặt trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế sẽ có sự thay đổi lớn nhờ sự thay thế của công nghệ và tự động hóa - bà Sarah Kemp tin tưởng.

Đại diện cho Tập đoàn công nghệ AI hàng đầu thế giới, ông Ettikan Karuppiah - Giám đốc, Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn NVIDIA chia sẻ, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra và thúc đẩy ĐMST trên các nền tảng với tốc đô xử lý rất cao. Đến nay, NVIDIA đã tạo ra nhiều sản phẩm và giải pháp công nghệ hiện đại nhất thế giới và chia sẻ với các nhà phát triển thiết bị lõi và tất cả các bên cần đến. Từ kinh nghiệm của NVIDIA, chúng tôi thấy rằng, AI mở ra rất nhiều cơ hội cho các DN, các startup…

Trước những cơ hội lớn về ĐMST, nhiều DN của Việt Nam cũng đã nhanh chóng bắt nhịp, tiến hành thử nghiệm các mô hình mới để đáp ứng nhu cầu thị trường như Petrolimex, Viettel, Sovico Group, T&T Group, FPT Semiconductor, VinBrain, Thaco, Visa, MoMo, CT Group… Những DN tiêu biểu này không chỉ minh chứng cho sự trỗi dậy của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, mà còn là cam kết của DN đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng dựa trên khoa học công nghệ và ĐMST.

Tuy nhiên, những nỗ lực của các DN Việt cũng gặp phải không ít khó khăn, cần có sự đồng hành của Chính phủ trên con đường ĐMST. Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, bên cạnh những khó khăn về thể chế, chính sách, hệ thống cơ sở hạ tầng…, một trong những thách thức mà đa số các DN gặp phải là chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào; tuy nhiên, số lượng kỹ sư có chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI còn nhiều hạn chế; chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ hiện đại; thiếu giảng viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm thực tế… Do đó, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để rút ngắn và lấp đầy khoảng cách với các đối thủ khác trong khu vực.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải tập trung hoàn thiện thể chế về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào khoa học công nghệ, ĐMST, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển... Đồng thời, tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy ĐMST của người dân, DN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ ĐMST, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng DN, nhà đầu tư và người dân./.

M.THÚY - H.THOAN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dong-luc-chinh-sach-tao-moi-truong-hap-dan-thu-hut-dau-tu-doi-moi-sang-tao-35188.html