Động lực cho hành trình mưu sinh
Cũng đã 2 năm, cộng đồng người Chăm mới có một cái Tết Katê trọn vẹn. Vẫn điệu múa lời ca, vẫn tiếng trống Ghi năng rộn ràng quen thuộc. Sức sống ấy đã trở lại, bình yên dẫu còn nhiều khốn khó.
Điệu múa dân gian Chăm
Đồng bào Chăm Bắc Bình đang đón Tết Katê. Sự hồ hởi hiện rõ trên từng gương mặt của các chức sắc, những phụ nữ Chăm cần cù. Ở thôn Bình Tiến (Phan Hiệp), gần như mọi nhà đã chuẩn bị khá tươm tất cho ngày Tết Katê. Bà Kim Thị Để (71 tuổi), đang nắn nót định hình cho những chiếc bánh gừng, nở nụ cười, nói: “Năm nào tết cũng vui, chỉ có 2 năm trước dịch bệnh, mọi người không được vui chơi chứ thờ cúng tổ tiên, ông bà vẫn giữ, vì truyền thống rồi. Bây giờ trở lại bình thường, ai nấy cũng vui, nhà nào cũng chuẩn bị tết”.
Nghệ nhân gốm mỹ nghệ Lương Thị Hoa
Ông Hắc Văn Quang Huy – Chủ tịch xã Phan Hiệp cho biết: “Năm 2021 do dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động, trong đó có Tết Katê phải dừng lại. Năm nay được trở lại bình thường, bà con phấn khởi. Hầu hết các làng Chăm trên địa bàn xã Phan Hiệp đều nô nức chờ đón tổ chức các hoạt động, sau đó sẽ là các hộ gia đình. Với chúng tôi, dù đời sống của bà con còn khó khăn, nhưng hiện có nhiều khởi sắc. Chúng tôi tạo điều kiện cho các làng tổ chức Katê theo phong tục truyền thống, cũng như các hộ gia đình thực hiện cúng Katê theo phong tục để đảm bảo đời sống tinh thần cho bà con”.
làm bánh gừng truyền thống
Nghề dệt gốm thổ cẩm
Xã Phan Hiệp có 97% đồng bào dân tộc Chăm. Cũng như nhiều địa phương khác, đời sống kinh tế trong thời điểm dịch rất khó khăn. Sau dịch, lao động sản xuất chỉ phục hồi 60-70%, lao động đi làm ăn xa, dẫn đến nguồn lực lao động giảm. Đảng ủy xã Phan Hiệp tập trung chỉ đạo nhân dân sản xuất vụ đông xuân, vụ mùa, nghề gốm, duy trì lao động địa phương để tiếp tục phát triển kinh tế”. Sự nỗ lực ấy để ngày Tết Katê đến cho tưng bừng của bản sắc riêng. Đó là nét văn hóa như ông Hắc Văn Quang Huy, chia sẻ: “Văn hóa được duy trì và nâng lên thấm vào từng con người Chăm. Chỉ cần nghe tiếng trống Ghi năng vang lên, gần như mọi người Chăm rộn ràng, các làng Chăm, các hộ gia đình vui chơi thoải mái sau những ngày lao động mệt nhọc”.
Nghệ nhân gốm hỏa lò Nguyễn Thị Mai.
Bà Thanh Thị Kỷ - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, chia sẻ về nét văn hóa của cộng đồng người Chăm, trong dịp Tết Katê: “Về cộng đồng Chăm ở Bình Thuận nói chung và các địa phương như Bắc Bình nói riêng trong 2 năm qua vì dịch bệnh không tham gia được Lễ hội Katê bình thường, dù các năm vẫn làm, nhưng chủ yếu phần lễ để cúng kính thần linh, tổ tiên ông bà. Năm nay tình hình dịch đã tạm ổn, nên các địa phương rất phấn khởi. Sau đại dịch cũng đã có bước phục hồi kinh tế rõ ràng hơn, thu nhập ổn định so với 2 năm trước. Cơ bản gia đình cộng đồng Chăm nào cũng chuẩn bị tươm tất, đủ đầy ổn định”.
Vũ điệu trống Ghi năng
Lễ hội Katê là nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Chăm. Bao giờ cũng được thực hiện theo trình tự nhất định. Những ngày đầu mùa lễ hội, người Chăm dành thời gian ở các tháp, đền, sau đó mới trở về sinh hoạt ở các làng Chăm, rồi tuần tự đến dòng tộc và mỗi gia đình. Tháng 7 Chăm lịch luôn là nét đẹp văn hóa của cộng đồng kéo dài trong vòng 1 tháng. Chính từ đây, sẽ là động lực để tiếp tục cho hành trình dài lao động sản xuất, xây dựng kinh tế phồn vinh.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dong-luc-cho-hanh-trinh-muu-sinh-103205.html