Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Do dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, linh hoạt, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nên sáu tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Dây chuyền sản xuất quần áo xuất khẩu của Công ty cổ phần May Pearl Việt Nam - phường Dữu Lâu, TP Việt Trì.

Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 15,15%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 13,28% so cùng kỳ. Tuy nhiên hoạt động sản xuất công nghiệp từ đầu năm 2022 cũng gặp không ít khó khăn do chính sách phòng, chống dịch của Trung Quốc, các hoạt động thương mại, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, số đơn hàng mới của một số doanh nghiệp của tỉnh giảm mạnh vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 6; giá cả một số nguyên vật liệu đầu vào (xăng, dầu, sắt thép) tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước tình hình trên, các cấp, các ngành thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cho vay ưu đãi tạo điều kiện cho doanh nghiệp về nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đang được triển khai, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, tạo nền tảng để tăng trưởng. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, tranh thủ đà phục hồi của thị trường, đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào hoạt động một số dự án mới, đóng góp năng lực mới tăng thêm công nghiệp. Có thể kể đến như Công ty CP Giấy Việt Trì đưa dây chuyền mới vào hoạt động từ quý IV/2021, công suất 10.000 tấn/tháng; nhà máy gạch Takao Thanh Uyên giai đoạn I hoạt động từ tháng 11/2021 công suất 5 triệu m2/năm...

Công ty TNHH Chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba sáu tháng đầu năm sản lượng sản xuất đạt trên 500 tấn, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu gần 100 tấn. Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty cho biết: Hơn hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất chè trên nhiều phương diện, từ việc tiếp cận khách hàng, nhân lực, thiếu nguyên liệu cung ứng, giảm đơn hàng, giảm sản lượng, cước vận chuyển tăng. Thời điểm tháng 10/2021, Công ty tồn kho 800 tấn chè khô, giá bán giảm. Từ đầu năm 2022 đến nay, sản xuất và xuất khẩu khả quan hơn, doanh nghiệp dần ổn định, tiếp tục củng cố thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới tiềm năng, tìm kiếm đối tác mới.

Thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 cao, các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã dần chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Nhờ vậy, có 3/4 ngành công nghiệp cơ bản duy trì và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,73% (cùng kỳ tăng 9,4%); ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 7,91% (cùng kỳ tăng 13,9%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,72% (cùng kỳ tăng 10,2%).

Công ty cổ phần May Pearl Việt Nam - phường Dữu Lâu, TP Việt Trì là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu với khoảng 2.000 lao động. Sáu tháng đầu năm giá trị hàng hóa xuất khẩu của Công ty ước đạt trên 12 triệu USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Chị Lê Thị Hằng- Quản lý Nhà máy số 1, Công ty cổ phần May Pearl Việt Nam cho biết: Với việc chủ động nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ngay từ đầu năm, đơn hàng với đối tác đảm bảo, Công ty đã xuất 1,5 triệu sản phẩm đi thị trường Mỹ, Canada... Để đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, chúng tôi tiếp tục chuẩn hóa các khâu trong quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động, đảm bảo tiến độ các đơn hàng.

Từ nay đến cuối năm, mặc dù tình hình sản xuất vẫn còn khó khăn do đơn giá vật liệu đầu vào, vận chuyển hàng hóa ở mức cao nhưng với nhu cầu thị trường tăng ổn định sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng sự quyết tâm cao của các cấp, ngành, sự năng động nhạy bén của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục có bước chuyển mạnh mẽ, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/dong-luc-cho-tang-truong-kinh-te/185525.htm