Động lực để May 10 vững bước sản xuất kinh doanh
Doanh thu năm 2023 của May 10 đạt 4.248 tỷ đồng, tăng 1,15% so với kế hoạch năm 2023, quay lại Top 3 ngành dệt may. Dù chỉ đạt 90,92% doanh thu so với năm 2022 nhưng May 10 sẻ chia lợi nhuận, đảm bảo thu nhập và không người lao động nào mất việc.
Sáng 2/1, Tổng Công ty May 10 (May 10) đã tổ chức lễ Phát động thi đua sản xuất kinh doanh năm 2024 và Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm (8/1/1959 - 8/1/2024) tại Hà Nội.
Con người là trọng tâm phát triển
Báo cáo tại Lễ kỷ niệm và phát động, Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết, 65 năm qua, khi về thăm và những lời dạy của Bác Hồ với May 10 đã trở thành nền móng vững chắc cho mọi chương trình hành động. Những năm qua May 10 đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Thực hiện tư tưởng của Bác, May 10 luôn lấy “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển doanh nghiệp”. Nhờ đó, năm 2023 đi qua trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành Dệt May Việt Nam, May 10 đã đoàn kết, phát huy trí tuệ, từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Theo đó, tổng doanh thu năm 2023 của May 10 đạt 4.248 tỷ đồng, tăng 1,15% so với kế hoạch, đạt 90,92% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 123 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kế hoạch, đạt 81,86% so với năm 2022; thu nhập bình quân đạt 9.250.000 đồng/người/tháng, giảm 0,54% so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2023, May 10 đã tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội với tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng như: Trợ cấp, tặng quà cho người lao động, các địa phương, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Đại diện cho hơn 12.000 lao động, anh Hà Hữu Đại (Bộ phận Đồng phục – Trung tâm kinh doanh thương mại của May 10) hứa tiếp tục triển khai sâu rộng việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quyết tâm đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn; tham gia các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng công việc, góp phần đưa May 10 đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra…
Phấn đấu đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng
Năm 2024, nền kinh tế thế giới và Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế thế giới trong còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó lường. Ngành dệt may sẽ đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Trong bối cảnh đó, May 10 với tinh thần vượt khó đã đặt ra các chỉ tiêu chính cho năm 2024 như: Doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Hướng tới mục tiêu trên, theo ông Thân Đức Việt, May 10 tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng; Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn và hợp lý; Tập trung công tác phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh...
Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiếp tục phát triển sản phẩm mới; Tiếp tục duy trì khẩu hiệu hành động “CHỌN VIỆC KHÓ” với phương châm “bảo toàn khách hàng, đơn hàng, thị trường, lao động và kiểm soát chặt các chi phí”.
Biểu dương kết quả đạt được, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định 4 yếu tố đã làm nên thành công của May 10 trong năm 2023. Đầu tiên đó là sự KIÊN CƯỜNG. Để đảm bảo hoạt động ổn định trong điều kiện đơn giá giảm 30%, người lao động trên cả nước nói chung, May 10 nói riêng đã có một năm lao động vất vả hơn, làm nhiều hơn nhưng hiệu quả thấp hơn. Đây là quá trình hết sức vất vả của các doanh nghiệp trong tập đoàn trong năm 2023. Điều này đã thể hiện sự kiên cường của các doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may.
Yếu tố thứ hai đó là DŨNG CẢM, theo ông Trường, trong suốt cả quá trình làm quản lý lãnh đạo doanh nghiệp dệt may, chưa bao giờ những người cán bộ quản lý làm tại các doanh nghiệp dệt may dũng cảm như trong năm 2023. Bởi phải ra những quyết định làm các đơn hàng hiệu quả không có rủi ro cao. May 10 với trên 12.000 lao động đã làm được điều đó, đem lại sự phát triển ổn định, đạt những thành tựu nhất định, có suy giảm so với năm 2022 nhưng suy giảm ít và là một trong số doanh nghiệp hiếp hoi của Vinatex vẫn đạt hiệu quả trong toàn hệ thống ngành dệt may” - ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Thứ 3 đó là SÁNG TẠO, khác với sáng tạo trong thời gian dịch Covid-19, năm 2023 yếu tố sáng tạo mang màu sắc khác, sáng tạo trong xử lý những yêu cầu hết sức đặc biệt, nhiều khi khá vô lý từ khách hàng và hệ thống và vượt qua điều đó: Bằng sáng tạo và cạnh tranh thực sự.
Yếu tố thứ 4 ĐOÀN KẾT, một tinh thần đã hút đúc của các doanh nghiệp dệt may đặc biệt là đối với May 10 - doanh nghiệp có gần 80 năm lịch sử và 65 năm học và làm theo lời Bác, sự đoàn kết của toàn may 10 đã làm nên kết quả trong năm 2023 - đây cũng là năm sau nhiều năm May 10 quay trở lại đứng trong TOP 3 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất của Vinatex trong điều kiện các nơi suy giảm.
Trong năm 2023, May 10 đã được khách hàng trong nước và quốc tế tin tưởng, đạt nhiều giải thưởng cao quý như: Top 100 doanh nghiệp bền vững; Thương hiệu mạnh tăng trưởng xanh; thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng năm 2023, Bằng khen của các bộ, ban ngành, UBND TP Hà Nội... Đặc biệt, May 10 tiếp tục lần thứ 9 liên tiếp được vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-luc-de-may-10-vung-buoc-san-xuat-kinh-doanh.html