Động lực mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu nằm trong số những mối đe dọa trực tiếp và nan giải nhất đối với sức khỏe và sự phát triển bền vững của nhân loại.

Trong lúc Trái đất đang ấm lên ngày càng nhanh hơn, các nỗ lực giải quyết bài toán môi trường lại vấp phải thách thức mới. Sự rút lui của Mỹ khỏi các cam kết khí hậu toàn cầu không chỉ bỏ ngỏ vị trí dẫn dắt mà còn đặt ra nguy cơ chia rẽ sâu sắc giữa các nước về trách nhiệm khí hậu.

Hơn bao giờ hết, các chính sách môi trường chủ động và quyết liệt hơn của mỗi quốc gia sẽ là lá chắn bảo vệ người dân trước những hệ quả ngày càng tàn khốc của biến đổi khí hậu.

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. (Ảnh cắt từ video)

Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. (Ảnh cắt từ video)

Những khoảng trống

Việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu không phải là một chính sách khó dự đoán. Tuy nhiên, khác với lần rút lui trong nhiệm kì đầu, quyết định của chính quyền Trump 2.0 phá vỡ các cam kết về khí hậu và kinh tế xanh diễn ra trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang phát đi những tín hiệu đáng báo động hơn bao giờ hết.

Năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất lịch sử, với nhiệt độ trung bình lần đầu tiên tăng vượt ngưỡng 1,5°C được đề ra trong Thỏa thuận Paris. Dù mới chớm bước vào mùa Hè, song Cơ quan Khí tượng Anh đã dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu năm nay sẽ tăng dao động từ 1,29°C đến 1,53°C, và gần như chắc chắn 2025 sẽ là năm thứ ba liên tiếp Trái đất có nền nhiệt cao nhất lịch sử.

Phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn, bất chấp những nỗ lực nhằm kiểm soát nguồn cơn gây ra sự nóng lên của Trái đất.

Sự rút lui của Mỹ không đơn thuần là một thay đổi chính sách mà còn kéo theo một loạt hệ lụy nghiêm trọng ở nhiều mặt, ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong đó khoảng trống tài chính là lỗ hổng lớn nhất. Sau nhiều phiên thảo luận cân não tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên nhợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan, các nước phát triển đã cam kết đóng góp 300 tỷ USD hàng năm đến năm 2035 để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở các nước nghèo.

Con số này vốn là “muối bỏ bể” so với nhu cầu 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm mà các nước đang phát triển đưa ra. Mỹ - với vai trò là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những kiến trúc sư của Thỏa thuận Paris - được kì vọng là một trong những nhà tài trợ chủ lực. Tuy nhiên, sự thoái lui của Mỹ đồng nghĩa với việc quỹ tài chính khí hậu sẽ thiếu hụt một phần lớn mà khó có một quốc gia nào có thể bù đắp.

Chính quyền tiền nhiệm ở Washington từng cam kết đóng góp 3 tỷ USD cho Quỹ khí hậu Xanh nhằm giúp các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào năng lượng sạch, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và khả năng chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu. Con số này chiếm gần 1/3 tổng giá trị đóng góp của 25 nước trên thế giới, cho thấy vai trò nòng cốt của Mỹ trong việc cung cấp nguồn lực tài chính cho các hoạt động khí hậu.

Mỹ cũng tài trợ 21% ngân sách hoạt động của Ban thư ký khí hậu Liên hợp quốc - cơ quan điều phối các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của thế giới. Không còn nguồn tài chính từ Mỹ, hoạt động của cơ quan này buộc phải thu hẹp, ảnh hưởng tới hiệu quả của các cuộc đàm phán vốn đã căng thẳng do nhiều bất đồng. Khoảng trống tài chính mà Mỹ để lại sẽ khiến các mục tiêu hỗ trợ toàn cầu bị trì hoãn nghiêm trọng.

Sự thiếu hụt tài chính không chỉ là một bài toán kinh tế, mà còn là một vấn đề nhân đạo, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm triệu người ở các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia như Bangladesh, Mozambique, Haiti hay các quốc đảo Thái Bình Dương đang chịu tác động ngày càng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường như lũ lụt, nước biển dâng và hạn hán kéo dài. Tuy nhiên, các nước này lại thiếu trầm trọng cả tài chính và năng lực để xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó hay di dời dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm.

Bên cạnh vấn đề tài chính, khoảng trống về vai trò lãnh đạo cũng là một hệ quả đáng kể. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ vừa là tác nhân dẫn dắt kỹ thuật, vừa giữ vai trò cầm trịch trong các cuộc đàm phán khí hậu. Thiếu Mỹ trên bàn đàm phán có thể khiến các cuộc thương lượng quốc tế mất đi một điểm tựa chiến lược.

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã nỗ lực lấp đầy khoảng trống, song mức độ ảnh hưởng và tính điều phối toàn cầu của họ vẫn chưa đủ để thay thế hoàn toàn vai trò của Mỹ trong việc đưa ra định hướng và thiết lập các chuẩn mực.

Không chỉ vậy, sự rút lui của Mỹ còn đặt ra một bài toán nghiêm trọng về lòng tin. Thỏa thuận Paris được xây dựng trên nguyên tắc “cam kết tự nguyện nhưng có trách nhiệm”, không có cơ chế trừng phạt bắt buộc. Sự tin tưởng giữa các quốc gia vì thế là yếu tố then chốt để duy trì động lực hành động.

Việc một quốc gia có vai trò lớn như Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận không chỉ phá vỡ niềm tin giữa các bên, mà còn mở đường cho các nước khác viện cớ trì hoãn hoặc giảm nhẹ cam kết. Các quốc gia đang phát triển, vốn đã cảm thấy bất bình vì bất cân xứng lịch sử về phát thải, nay càng thêm mất niềm tin vào tính công bằng và khả năng thực thi của hệ thống khí hậu toàn cầu.

Chống biến đổi khí hậu là một “cuộc chiến dài hơi” và đòi hỏi sự đoàn kết của toàn cầu, song cộng đồng quốc tế cần bắt tay ngay để thực hiện các cam kết nhằm đảm bảo một tương lai bền vững. (Nguồn: Dreamstime)

Chống biến đổi khí hậu là một “cuộc chiến dài hơi” và đòi hỏi sự đoàn kết của toàn cầu, song cộng đồng quốc tế cần bắt tay ngay để thực hiện các cam kết nhằm đảm bảo một tương lai bền vững. (Nguồn: Dreamstime)

Thúc đẩy các giải pháp thay thế

Quyết định của Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris đã tạo ra một khoảng trống rõ rệt trên bản đồ khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, khoảng trống này cũng mở ra những cơ hội cho một mô hình lãnh đạo mới - nơi tiếng nói của các quốc gia khác không còn bị che lấp bởi ảnh hưởng chính trị từ Washington. Đây cũng là hồi chuông hối thúc mỗi quốc gia và khu vực tăng cường sự chủ động và quyết liệt hơn trong việc giải quyết vấn đề khí hậu để tránh sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ nguồn lực nào từ bên ngoài.

Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ vừa là động lực, vừa là rào cản trong các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu. Trọng lượng kinh tế và chính trị của Mỹ khiến những ưu tiên quốc gia này thường chi phối đáng kể tiến trình thương lượng, đôi khi làm chùn bước những đề xuất mang tính đột phá từ các quốc gia khác. Nhưng một khi sức hút ấy không còn, không gian hành động sẽ trở nên rộng mở hơn cho những nhân tố mới phát huy vai trò lãnh đạo, đặc biệt là EU, Trung Quốc và các liên minh khu vực nhỏ hơn.

EU, vốn tâm huyết với tham vọng khí hậu cao và tầm nhìn chiến lược trong Kế hoạch xanh châu Âu, đã nhanh chóng tái khẳng định vai trò dẫn dắt. Không chỉ triển khai nội bộ, EU còn tích cực thúc đẩy các quốc gia ngoài khối tăng cường cam kết và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển - điều mà trước đây thường bị né tránh hoặc trì hoãn trong các cuộc họp có Mỹ tham gia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Thỏa thuận Paris vẫn là hy vọng tốt nhất cho toàn nhân loại. EU sẽ tiếp tục theo đuổi con đường này và tiếp tục làm việc với tất cả các quốc gia muốn bảo vệ thiên nhiên và ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu”. Một số quan chức EU khác cũng nhiều lần khẳng định sự kiên định của liên minh này trong việc thực hiện các cam kết khí hậu bất chấp quyết định của Mỹ.

Trung Quốc, dù là nước phát thải lớn đã thể hiện tín hiệu lãnh đạo tích cực thông qua mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2060 và hàng loạt khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo. Bắc Kinh nhấn mạnh việc chống biến đổi khí hậu là “trách nhiệm chung của toàn nhân loại” và Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế để thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Cam kết này thể hiện rõ ý chí chiến lược của Trung Quốc trong việc nắm bắt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực khí hậu sau khi Mỹ rút lui. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố: “Chúng tôi sẽ xây dựng một gói các dự án lớn để ứng phó với biến đổi khí hậu và tích cực tham gia và định hướng quản lý môi trường và khí hậu toàn cầu”.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, chỉ riêng năm 2023, hơn 32 triệu người đã bị buộc phải di dời vì các hiện tượng thời tiết cực đoan - một phần lớn trong số đó đến từ các nước không có khả năng chi trả cho các biện pháp thích nghi. Khoảng trống tài chính không đơn thuần là sự hụt đi của một con số, mà là sự mất mát của cơ hội sống sót và phục hồi của hàng triệu con người.

Một điểm sáng khác đến từ các liên minh nhỏ như Liên minh tham vọng cao (HAC) và Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS). HAC đã luôn bền bỉ trong việc đảm bảo thực hiện các cam kết khí hậu, như giảm tốc độ nóng lên của Trái đất và chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa.

Trong khi đó, AOSIS kiên trì giữ vững tiếng nói đại diện cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi thường thiệt hại, thích ứng khí hậu và công bằng tài chính. Việc Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán khí hậu dường như sẽ tạo cơ hội giúp các nhóm này có thêm tiếng nói, không còn bị “lu mờ” bởi các siêu cường. Họ có điều kiện xây dựng các sáng kiến khu vực, kết nối tri thức, và quan trọng hơn cả là chứng minh rằng, lãnh đạo không chỉ đến từ quy mô hay GDP, mà còn từ tinh thần tiên phong và trách nhiệm toàn cầu.

Ngay cả trong nội bộ nước Mỹ, làn sóng hành động vì khí hậu vẫn tiếp diễn bất chấp quyết định chính sách của Nhà Trắng. Nhiều bang và thành phố như California, New York, Massachusetts, Texas hay Iowa đều đang triển khai các chính sách năng lượng sạch, hệ thống giao dịch phát thải và kế hoạch loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Trên thực tế, phần lớn tiến bộ về khí hậu của Mỹ trong ba thập kỷ qua lại đến từ cấp bang và địa phương - chứ không phải từ trung ương.

Các liên minh chống biến đổi khí hậu như We Are Still In (Chúng tôi vẫn ở lại) hay US Climate Alliance (Liên minh khí hậu Mỹ) đang chứng minh rằng các thành phố, doanh nghiệp và tiểu bang của Mỹ hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện cam kết của Thỏa thuận Paris, ngay cả khi chính phủ liên bang không còn hiện diện chính thức. Không chỉ vậy, những thực thể này đang tìm cách hợp tác trực tiếp với cộng đồng quốc tế, vượt qua kênh ngoại giao truyền thống để xây dựng các hiệp định thương mại và công nghệ mới, cùng chia sẻ giải pháp về thành phố thông minh, hạ tầng xanh và quản trị carbon.

Trồng 2.025 cây mắm trắng tại Sóc Trăng, phát triển rừng ngập mặn giúp bảo vệ tương lai bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. (Nguồn: TTXVN)

Trồng 2.025 cây mắm trắng tại Sóc Trăng, phát triển rừng ngập mặn giúp bảo vệ tương lai bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. (Nguồn: TTXVN)

Các mạng lưới đô thị toàn cầu như Nhóm các thành phố dẫn đầu về ứng phó với biến đổi khí hậu (C40 Cities) hay Tổ chức các chính quyền địa phương vì sự phát triển bền vững khu vực Nam Á (ICLEI) cũng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình chương trình nghị sự khí hậu đô thị, biến các thành phố trở thành trung tâm của hành động khí hậu toàn cầu - một xu thế được dự đoán sẽ ngày càng rõ nét trong tương lai gần. Xu hướng này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của khu vực tư nhân ở cả bàn đàm phán lẫn quá trình hành động thực tế.

Như Chủ tịch COP30 của Brazil André Aranha Corrêa do Lago đánh giá: “Chúng ta phải thừa nhận thực tế: Việc tạo ra việc làm mới, áp dụng các công nghệ mới, tất cả những điều này phụ thuộc rất nhiều vào khu vực tư nhân”. Ông nhấn mạnh chống biến đổi khí hậu phải vì lợi ích của tất cả mọi người, vì vậy cần có sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội vào việc thực hiện các kế hoạch quốc gia.

Suy cho cùng, một hệ thống khí hậu toàn cầu không bị phụ thuộc vào một cường quốc duy nhất có thể sẽ tạo nên mô hình điều hành đa trung tâm - nơi quyền lực được chia sẻ, vai trò được phân bổ và rủi ro được giảm nhẹ. Trật tự mới này, nếu được xây dựng bền vững, có thể chính là chìa khóa để vượt qua tình trạng bế tắc hiện nay và tạo nên những thay đổi có ý nghĩa thực chất hơn, không chỉ cho môi trường, mà còn cho quyền sống, quyền phát triển và quyền được bảo vệ của toàn nhân loại.

TRÀ LY

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-luc-moi-cho-cuoc-chien-chong-bien-doi-khi-hau-319705.html