Động lực mới cho vùng đồng bằng sông Hồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý các địa phương xây dựng cung triển lãm quy hoạch để nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp thuận tiện tìm hiểu và giám sát thực hiện

Ngày 9-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), đã chủ trì hội nghị lần thứ 3 của hội đồng. Dự hội nghị có lãnh đạo nhiều bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố vùng ĐBSH cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Thu hút vốn FDI đứng đầu cả nước

Hội nghị đã tập trung thảo luận về việc triển khai thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch vùng ĐBSH) vừa được phê duyệt; tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng và chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 30. Hội nghị còn rà soát cơ chế, chính sách đặc thù vùng; kế hoạch điều phối hội đồng vùng năm 2024; tình hình triển khai các dự án trọng điểm của vùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, sau khi được thành lập, vùng ĐBSH đã hoàn thiện quy chế, tổ chức làm việc của hội đồng điều phối vùng. Đến nay, quy hoạch 9 tỉnh, thành trong vùng đã được phê duyệt; 7/20 dự án quan trọng đã khởi công và 8 dự án khác đang được hoàn thiện thủ tục để khởi công. Trong đó, nổi bật là dự án đường bộ cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về bản đồ quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về bản đồ quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: NHẬT BẮC

Bên cạnh đó, hồ sơ tổng kết, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã hoàn thiện, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Đồng thời, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 106/2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó cho phép áp dụng đối với một công trình giao thông đường bộ quan trọng của vùng ĐBSH.

Đáng chú ý, kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng ĐBSH có mức tăng trưởng tốt. GRDP năm 2023 đạt 6,28%, xếp thứ 3/6 vùng; quy mô GRDP chiếm 30,4% GDP cả nước. GRDP quý I/2024 tăng 6,16%, cao hơn mức tăng cả nước (5,66%).

Vùng ĐBSH thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2023 đạt gần 17,4 tỉ USD, đứng đầu cả nước. Trong đó, 5 địa phương vùng ĐBSH luôn thuộc nhóm 10 tỉnh, thành có số vốn FDI dẫn đầu cả nước. Thu ngân sách nhà nước vùng ĐBSH năm 2023 chiếm 38,6% tổng thu ngân sách cả nước và cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Từ đầu năm 2024 đến ngày 7-5, vùng ĐBSH chiếm 41,6% tổng thu ngân sách cả nước...

Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu, tham luận đánh giá cao Quy hoạch vùng ĐBSH được xây dựng khoa học, công phu, kỹ lưỡng. Quy hoạch vùng ĐBSH mở ra tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới trong bức tranh tổng thể về phát triển KT-XH của vùng nói riêng và cả nước nói chung.

12 "từ khóa"

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Quy hoạch vùng ĐBSH được xây dựng với tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, niềm tin mới để tạo ra giá trị mới; tìm ra, thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng và phát hiện, chỉ rõ những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục.

Thủ tướng cũng chỉ ra quá trình phát triển của vùng ĐBSH còn đối mặt một số tồn tại, hạn chế, khó khăn. KT-XH của ĐBSH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của vùng, đặc biệt là về văn hóa.

Thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Hội đồng Điều phối vùng ĐBSH tiếp tục bám sát, nghiêm túc, quyết liệt trong triển khai Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ, Quy hoạch vùng, các kết luận của hội đồng. Thủ tướng chỉ rõ 12 chữ mang tính chất "từ khóa" trong triển khai quy hoạch và phát triển, liên kết vùng thời gian tới: Truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững.

Thủ tướng gợi ý các địa phương vùng ĐBSH xây dựng những cung triển lãm quy hoạch để nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp thuận tiện tìm hiểu và giám sát thực hiện... "Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất - kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân" - Thủ tướng nêu rõ.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSH, hoàn thành trong quý II/2024.

Về hoạt động điều phối vùng, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 106/2023 và các cơ chế, chính sách khác đã được ban hành. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút vốn FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ. Thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư), nhất là trong phát triển dự án hạ tầng giao thông của vùng và liên vùng. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng KT-XH, ưu tiên cho giao thông; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistics, dịch vụ chất lượng cao.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổ chức giám sát, kiểm tra thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSH. Thường xuyên rà soát, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, bổ sung, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp tình hình thực tế.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các địa phương vùng ĐBSH cần đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ cùng nhau giải quyết các vấn đề của vùng, liên tỉnh, thành phố trong vùng...

3 thiếu, 5 hạn chế

Thủ tướng nhận xét vùng ĐBSH có 3 cái thiếu: Thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp.

Cùng với đó, vùng ĐBSH còn có 5 hạn chế lớn. Cụ thể: Hạn chế về tính liên kết, về cả liên kết trong hạ tầng giao thông; liên kết chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển; liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng. Hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp. Hạn chế trong việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu.

Bảo Trân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-luc-moi-cho-vung-dong-bang-song-hong-196240509201523802.htm