Bài 1: Thiên Thời, địa lợi, nhân hòa - hướng tới đô thị loại I
Trên hành trình hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh đang tập trung thu hút, lựa chọn nhà đầu tư cho loạt dự án khu đô thị lớn, đa tiện ích.
Bắc Ninh, với vị trí chiến lược chỉ cách Hà Nội 30km, là cửa ngõ kết nối thủ đô với các tỉnh phía Bắc trên hai hành lang kinh tế trọng điểm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lạng Sơn. Nơi đây hội tụ đầy đủ "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để phát triển mạnh mẽ.
Tỉnh hiện có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu hút FDI mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Sở hữu bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời, Bắc Ninh còn tự hào với những con người cần cù, sáng tạo, giàu tinh thần đoàn kết và năng động. Nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề cao cùng với sự lãnh đạo sáng suốt, nhất quán của tỉnh đã tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn. Bắc Ninh cũng chủ động ban hành nhiều chính sách ưu đãi, mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn.
Với quyết tâm xây dựng Bắc Ninh trở thành đô thị loại I và trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng vào năm 2027, tỉnh đang triển khai mạnh mẽ Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023. 25 đồ án quy hoạch phân khu đã được tỉnh phê duyệt, bao phủ toàn bộ khu vực đô thị, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
Trong định hướng phát triển, Bắc Ninh ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp điện tử và công nghệ cao, coi đây là ngành mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.
Điều đó được thể hiện bằng sự tăng trưởng qua các năm. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ đạt 646 tỷ đồng, xếp thứ 10/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Hồng. Đến nay, Bắc Ninh đã có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển với tổng diện tích 6.397,68ha. Trong đó, 12 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; 15 khu công nghiệp đã được thành lập với diện tích 5.946,99 ha. Bên cạnh đó là hệ thống các cụm công nghiệp được xây dựng đồng bộ. Nhờ những nỗ lực này, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm 2024 đã tăng 7,5%.
Song song với đó, là việc thu hút vốn đầu tư từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là trong lĩnh vực điện tử, đã tạo bước đột phá lớn cho hoạt động ngoại thương của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 của Bắc Ninh đạt trên 39 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong việc tạo động lực phát triển, khai thác hiệu quả không gian và đảm bảo tính chiến lược, bền vững. Đề cao việc đặt con người làm trung tâm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương đồng thời bám sát chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhu cầu của người dân.
Thủ tướng đánh giá cao quy hoạch của Bắc Ninh, đặc biệt là việc chú trọng phát triển các ngành công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh cần đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, đồng thời kêu gọi các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ Bắc Ninh thực hiện quy hoạch.
Đồng thời gửi lời kêu gọi tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư tin tưởng và đồng hành cùng Bắc Ninh trên hành trình phát triển với phương châm “Thành công của các nhà đầu tư chính là thành công của Bắc Ninh và của cả Việt Nam”.
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch hành động, trong đó có sáng kiến đối thoại định kỳ với doanh nghiệp vào ngày 13 hàng tháng.
Với thông điệp "Thủ tục sẵn sàng - Dự án thành công" tại buổi đối thoại diễn ra vào 13/10 vừa qua, tỉnh cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư thực hiện dự án, “bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng và minh bạch”.
Nhấn mạnh tinh thần "4 cùng" của Thủ tướng Chính phủ “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, tinh thần của tỉnh là "luôn đồng hành cùng doanh nghiệp” trên hành trình phát triển thông qua việc, “tỉnh sẵn sàng lắng nghe, chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư”.
Được biết, đây là năm đầu tiên tỉnh Bắc Ninh triển khai hình thức đối thoại trực tiếp cởi mở, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 5 năm (2021-2025).
Ngày 6/8/2024, UBND Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 423/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, định hướng năm 2030. Danh mục này bao gồm 167 dự án với tổng diện tích đất khoảng 11.638 ha, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, thương mại dịch vụ, nhà ở, khu đô thị đến hạ tầng khu, cụm công nghiệp, thể thao, văn hóa, nước sạch và môi trường.
Trong đó, thương mại dịch vụ 36 dự án, nhà ở đô thị 83 dự án, nhà ở xã hội 27 dự án, hạ tầng khu, cụm công nghiệp 12 dự án, khu thương mại, dịch vụ và căn hộ để bán 2 dự án cùng các dự án còn lại; đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, hoàn thiện các tuyến quốc lộ, đường vành đai, nâng cấp kết nối giao thông nội tỉnh.
Về phân bổ địa bàn, các dự án được triển khai trên khắp các địa phương trong tỉnh: Thành phố Bắc Ninh: 43 dự án; Thành phố Từ Sơn: 9 dự án; Thị xã Quế Võ: 28 dự án; Thị xã Thuận Thành: 21 dự án; Huyện Tiên Du: 15 dự án; Huyện Yên Phong: 19 dự án; Huyện Gia Bình: 15 dự án; Huyện Lương Tài: 12 dự án. Dự án nằm trên 2 địa phương cấp huyện: 5 dự án
Một số điểm nhấn trong danh mục dự án bao gồm: Khu đô thị mới phía Tây Bắc thành phố Bắc Ninh: với quy mô lên đến 800 ha, được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội mới của tỉnh. Khu công nghiệp An Việt - Quế Võ 6: với diện tích 78,68 ha, sẽ góp phần thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân.
Học viện bóng đá tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong: với quy mô 20 ha, sẽ là nơi đào tạo các tài năng bóng đá trẻ cho tỉnh. Nhà máy cấp nước Tri Phương II: với công suất 40.000 m3/ngày đêm, sẽ đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân.
Ngày 27/9/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ban hành Quyết định số 524/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, định hướng năm 2030. Theo đó, tỉnh đã điều chỉnh thông tin đối với 5 dự án và bổ sung 3 dự án mới vào danh mục.
Các dự án được bổ sung bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại, dịch vụ và căn hộ để bán tại phường Vạn An và phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại, dịch vụ và căn hộ để bán tại phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa và cơ sở dưỡng lão tại thị xã Thuận Thành.
Thông tin về sự thuận lợi khi đầu tư vào tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cởi mở: “Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về pháp lý và quy hoạch để thu hút đầu tư. Doanh nghiệp chỉ cần chủ động nắm bắt thông tin, nâng cao năng lực và lựa chọn dự án phù hợp để đầu tư hiệu quả. Sự đóng góp hiệu quả của các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành đô thị loại I và trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng vào năm 2027; hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030”.