Động lực nào cho tăng trưởng cao bền vững kinh tế?
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không thể chần chừ cải thiện từng phần mà phải dứt khoát 'đập bỏ' các điểm nghẽn thể chế đang kìm hãm năng lực phát triển của nền kinh tế.

Nhà nước cần đóng vai trò thiết kế thể chế chiến lược, tạo lập một hệ sinh thái phát triển thay vì can thiệp sâu vào hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và hướng tới hai con số trong giai đoạn tiếp theo, không thể chần chừ cải thiện từng phần mà phải dứt khoát “đập bỏ” các điểm nghẽn thể chế đang kìm hãm năng lực phát triển của nền kinh tế.
Đây là nhận định của các đại biểu chuyên gia kinh tế dự Hội thảo khoa học với chủ đề “Các động lực cho tăng trưởng cao bền vững kinh tế năm 2025 và giai đoạn 2026-2030” diễn ra ngày 1/4 tại Hà Nội, do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có tiềm năng nhưng "không thể lớn" lên do bị trói buộc bởi những rào cản thể chế phức tạp, thiếu nhất quán, chưa phù hợp với yêu cầu tự do hóa và minh bạch hóa môi trường đầu tư.
Trong bối cảnh Việt Nam đang khát khao vươn mình trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao thì mọi chính sách, mọi cải cách cần được đo lường bằng khả năng thực tế để giải phóng nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và trao quyền thực chất cho doanh nghiệp.
Tiến sỹ Cung cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc “hoàn thiện”, Việt Nam không thể vượt qua được những rào cản đã tồn tại hàng thập kỷ. Giải pháp không thể là vá víu, mà phải là “đập bỏ - từ gốc rễ".
Cùng quan điểm đó, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển đúng hướng, vươn tầm thì không thể theo lối cũ. Điều kiện cần là tư duy khác biệt, thay đổi tầm nhìn phát triển, đặt ra yêu cầu cải cách Nhà nước một cách căn bản, có hệ thống, không ngần ngại thử nghiệm những mô hình mới, cơ chế mới nếu điều đó không tạo rủi ro lớn.
Trong kỷ nguyên mới, mỗi loại hình doanh nghiệp, từ Nhà nước đến tư nhân, từ quy mô nhỏ đến lớn đều cần được định vị đúng chức năng trong một thể chế kinh tế rõ ràng, minh bạch và hỗ trợ lẫn nhau thay vì cạnh tranh tiêu cực.
Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, trong điều kiện phát triển mới, Nhà nước cần đóng vai trò thiết kế thể chế chiến lược, tạo lập một hệ sinh thái phát triển thay vì can thiệp sâu vào hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần mạnh dạn thử nghiệm các mô hình phát triển mới, cho phép thử có kiểm soát, nhất là ở các đô thị lớn, vùng kinh tế động lực hoặc trong những lĩnh vực mới như công nghệ số, tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn. Việc phát triển doanh nghiệp, cải cách hành chính, khơi thông nguồn lực sẽ không mang lại hiệu quả nếu không được đặt trong một thiết kế thể chế chủ động, có tầm nhìn và linh hoạt thích ứng.
Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra 8 rào cản đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó điển hình là môi trường pháp lý thiếu ổn định, thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể và những vướng mắc trong tiếp cận đất đai, tín dụng, thông tin thị trường.
Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp đột phá trong phát triển doanh nghiệp. Đó là, cải cách mạnh mẽ thể chế, ban hành luật riêng cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ; phát triển thị trường vốn lành mạnh, tạo sàn chứng khoán riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nội địa quy mô lớn, hình thành lực lượng dẫn dắt; mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả hiệp định thương mại tự do (FTA) và phát triển thương hiệu quốc gia; thúc đẩy công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu phát và triển đào tạo nhân lực chất lượng cao, kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp – viện nghiên cứu – trường đại học. "Muốn doanh nghiệp tư nhân “cất cánh”, không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà phải có hành động cụ thể, đồng bộ và dài hạn – nhất là trong thể chế, tài chính và hỗ trợ tiếp cận nguồn lực", Tiến sỹ Đậu Anh Tuấn cho biết.
Đưa ra ví dụ điển hình về cải cách thể chế qua kinh nghiệm xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tài chính quốc tế cho biết, từ London (Anh), New York (Hoa Kỳ) cho tới Thượng Hải (Trung Quốc)..., các trung tâm này đều có chung những yếu tố thành công như: khung pháp lý minh bạch, chính sách thuế cạnh tranh, hạ tầng công nghệ hiện đại, đặc biệt là môi trường tự do kinh doanh không bị can thiệp hành chính.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nêu ý kiến, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế nếu có được cơ chế pháp lý đặc thù, cho phép thử nghiệm luật lệ theo thông lệ quốc tế, tự do hóa giao dịch vốn và tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho công nghệ tài chính (fintech), ngân hàng số, trái phiếu xanh, tài chính bền vững phát triển.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-luc-nao-cho-tang-truong-cao-ben-vung-kinh-te/368420.html