Động lực tăng trưởng mới của Việt Nam giữa bất ổn thương mại toàn cầu

Tiêu dùng nội địa cùng thương mại nội khối được kỳ vọng là lời giải cho tăng trưởng của Việt Nam giữa những bất ổn thương mại toàn cầu thời gian tới.

"Việt Nam đang nghĩ quá nhiều đến xuất khẩu, nhưng tiêu dùng nội địa sẽ trở thành chủ đề lớn trong những năm tới", ông Frederic Neumann, Chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC chia sẻ với Tri Thức - Znews hồi tháng 10/2024.

Thực tế, thương mại toàn cầu đang bước vào giai đoạn căng thẳng với các đòn áp thuế giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn. Việt Nam cũng đang chuẩn bị giải pháp để có thể kịp thời phản ứng nhanh nhạy với những diễn biến mới.

Trong bài phân tích mới đây, ông Frederic Neumann cho rằng những căng thẳng hiện nay cũng có thể là cơ hội và động lực để các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, thay đổi mô hình tăng trưởng.

Tìm kiếm cơ hội nội khối

Nhìn chung trên toàn châu Á, chuyên gia kinh tế trưởng tại HSBC đánh giá dòng vốn đầu tư và các chuỗi cung ứng đã được hình thành chéo trong khu vực, tuy nhiên phần lớn vẫn tập trung vào việc phục vụ các thị trường phương Tây.

Giờ đây, thay vì tiếp tục xuất khẩu đến thị trường Mỹ hay châu Âu, nơi các rào cản thương mại ngày càng gia tăng, châu Á có thể mở rộng thị trường trong chính nội khối thông qua hoạt động đẩy mạnh hội nhập khu vực.

 Ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, HSBC. Ảnh: HSBC.

Ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, HSBC. Ảnh: HSBC.

Các quốc gia có thể tận dụng những hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với các thành viên ASEAN và Đông Bắc Á; hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của 11 nền kinh tế từ châu Á và châu Mỹ.

"Việc mở rộng các hiệp định này để bổ sung thêm khu vực Nam Á sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng, giúp xây dựng khả năng thích ứng khu vực mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên tách rời", vị chuyên gia từ HSBC nêu quan điểm.

Riêng tại Việt Nam, ông đánh giá chính sự cởi mở trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương và tham gia vào các hiệp định thương mại này đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam duy trì sự tăng trưởng cao và vững chắc thời gian qua. Và điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh áp lực bảo hộ đang gia tăng ở nhiều quốc gia.

Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh: "Hiện tại, Việt Nam đang ở thời điểm thuận lợi về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng 3-5 năm nữa, có thể là Ấn Độ hoặc các nền kinh tế khác, vì vậy, phải liên tục cải thiện sức hấp dẫn".

Hiện tại, Việt Nam đang ở thời điểm thuận lợi về thu hút FDI, nhưng 3-5 năm nữa, có thể là Ấn Độ hoặc các nền kinh tế khác, vì vậy, phải liên tục cải thiện sức hấp dẫn

Ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, HSBC

Sức hấp dẫn này, theo ông, chính là sự cởi mở.

Ông cho rằng một số quốc gia có thể đưa ra nhiều ưu đãi tài chính, nhưng điều đó không có nghĩa họ hoàn toàn thắng thế.

Bên cạnh độ mở của nền kinh tế, ông đánh giá Việt Nam có thể gia tăng sức hút bằng việc cải thiện các vấn đề về nguồn nhân lực, năng lượng và hạ tầng logistics.

Vị chuyên gia cũng lưu ý Việt Nam không nhất thiết phải thu hút FDI bằng mọi giá mà nên chọn lọc lĩnh vực chiến lược.

Hiện tại, Thái Lan đang theo đuổi lĩnh vực ôtô, xe điện; Bangladesh tập trung vào may mặc; Indonesia hút FDI liên quan nhiều đến tài nguyên thiên nhiên... Một số dòng vốn FDI cũng chảy về Ấn Độ, nhưng ông cho rằng đa số để phục vụ chính người tiêu dùng Ấn Độ.

"Việt Nam đang tỏ rõ tham vọng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, và vì vậy, đang cạnh tranh trực tiếp với Malaysia về mặt thu hút đầu tư vào lĩnh vực này", ông nói, đồng thời khuyên Việt Nam cần xem xét muốn tham gia vào phần nào trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn để có chính sách phù hợp và thu hút được dự án chất lượng.

 Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với Malaysia trong thu hút FDI vào ngành bán dẫn. Ảnh minh họa: Adobestock.

Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với Malaysia trong thu hút FDI vào ngành bán dẫn. Ảnh minh họa: Adobestock.

Về mặt chiến lược trên phạm vi khu vực, ông cho rằng châu Á có thể tái phân bổ vốn hiệu quả từ các nền kinh tế có tỷ lệ tiết kiệm cao như Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Nhật Bản sang các thị trường cần nhiều vốn đầu tư hơn, chẳng hạn như Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Bangladesh...

Cú hích từ tiêu dùng nội địa

Để bài toán thương mại nội khối hiệu quả, chính sức mua trong từng quốc gia cần được thúc đẩy.

Tuy nhiên, ông Frederic Neumann đánh giá các hộ gia đình châu Á vốn có thói quen tiết kiệm cao, do đó các nhà hoạch định chính sách có thể khuyến khích gia tăng chi tiêu bằng cách nâng cao thu nhập và phúc lợi xã hội toàn dân.

Khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên, các quốc gia châu Á sẽ không chỉ giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, mà còn góp phần nâng cao tiêu chuẩn sống của các hộ gia đình.

Sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam có lẽ đủ vững để vượt qua những biến động

Ông Frederic Neumann, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, HSBC

Với những gì đang diễn ra tại Việt Nam, ông dự báo trong năm 2025, tiêu dùng nội địa sẽ đóng vai trò động lực lớn, trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.

"Sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam có lẽ đủ vững để vượt qua những biến động này", chuyên gia HSBC nhận định.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước đó, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9%. So với năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19, quy mô thị trường thậm chí đã tăng 29,4%.

Sang tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 573.300 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng 12/2024 và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu đề xuất giải pháp để chuẩn bị phản ứng nhanh nhạy trước nguy cơ chiến tranh thương mại trên thế giới.

Trong đó, Thủ tướng gợi ý một số giải pháp như tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ...

Lan Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dong-luc-tang-truong-moi-cua-viet-nam-giua-bat-on-thuong-mai-toan-cau-post1530337.html