Động lực thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại

Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất có hiệu lực từ ngày 1-4-2025, đóng vai trò quan trọng trong việc thử nghiệm cơ chế mới nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Một trong những điểm mới được dư luận rất quan tâm đó là nghị quyết đã mở rộng cơ hội phát triển dự án nhà ở thương mại khi cho phép các doanh nghiệp bất động sản thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất, bao gồm cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất đa dạng hơn để phát triển dự án, từ đó tăng cường tính chủ động cho doanh nghiệp khi thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào việc Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, giúp rút ngắn thời gian và quy trình triển khai dự án.

Việc thực hiện dự án theo Nghị quyết phải đáp ứng các điều kiện như phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt; có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh.

Những điều kiện này bảo đảm rằng việc phát triển dự án diễn ra theo kế hoạch và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch chung, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh khi Nghị quyết tạo cơ chế linh hoạt cho doanh nghiệp trong việc phát triển dự án nhà ở thương mại, đồng thời khuyến khích việc sử dụng hiệu quả quỹ đất, đặc biệt là với những diện tích đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp chưa được sử dụng tối ưu...

Để Nghị quyết số 171/2024/QH15 được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, các cơ quan chức năng cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục thực hiện dự án thí điểm, bảo đảm tính thống nhất và dễ thực hiện. Cùng với đó là xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn các khu đất đưa vào danh mục dự án thí điểm, bảo đảm công khai, minh bạch và tránh tình trạng “xin - cho”. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của HĐND, UBND cấp tỉnh nhằm bảo đảm dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một điều kiện tiên quyết khác để Nghị quyết triển khai hiệu quả là phải công khai thông tin về các khu đất, tiêu chí lựa chọn và danh mục dự án thí điểm để người dân và doanh nghiệp nắm bắt. Thiết lập cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng chính sách để trục lợi.

Đối với doanh nghiệp và người dân là những chủ thể hành động, cần tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp về quy trình, thủ tục và các yêu cầu liên quan đến việc thực hiện dự án thí điểm. Cung cấp thông tin, tư vấn cho người dân về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khuôn khổ dự án.

Ý nghĩa quan trọng nhất của cơ chế thí điểm chính là theo dõi, đánh giá và điều chỉnh kịp thời. Vì vậy cần thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá quá trình triển khai Nghị quyết, thu thập ý kiến từ các bên liên quan để nhận diện khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đánh giá, đề xuất các điều chỉnh, bổ sung cần thiết nhằm hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả thực hiện.

Việc triển khai đồng bộ các biện pháp sẽ góp phần đưa Nghị quyết 171/2024/QH15 vào thực tế một cách hiệu quả, thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, nhất là thời điểm hiện nay khi giá nhà đất đang ở mức cao tại các địa phương, đặc biệt là những thành phố lớn.

Đoàn Nam

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-luc-thuc-day-phat-trien-nha-o-thuong-mai-697573.html