Động lực tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu
Với nỗ lực đạt được những mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa cam kết đưa lượng khí phát thải về 0 vào năm 2050 và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, G7 còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bảo đảm sự công bằng và bền vững để củng cố an ninh năng lượng.
Những hệ quả của biến đổi khí hậu
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cam kết của các nước G7 được xem là vấn đề mang tính sống còn đối với sự an toàn và tồn tại của loài người vì nhân loại ngày càng phải đối mặt với những tác động to lớn của tình trạng biến đổi khí hậu một cách thường xuyên hơn. “Mất mát và thiệt hại” là cụm từ được các nhà đàm phán sử dụng tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hằng năm của Liên Hợp Quốc để chỉ các tác động do biến đổi khí hậu gây ra.
Thực tế vừa qua, châu Âu đã phải trải qua mùa hè nóng nhất trong vòng 500 năm. Trong khi đó, Pakistan thường có mưa trong mùa gió mùa, điều này rất quan trọng đối với nông nghiệp và nguồn cung cấp nước ở quốc gia này. Tuy nhiên, năm nay, có nhiều trận mưa lớn chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua, các sông băng tan chảy nhanh chóng ở miền Bắc trong nhiều tháng trước ở nước này đã gây áp lực lên các tuyến đường thủy. Bão lũ liên tục đổ bộ vào Mỹ, Philippines. Điều này ngày càng minh chứng cho sự ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và không có nước nào là ngoại lệ khi thời tiết trở nên cực đoan.
Theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu thảm họa, trụ sở tại Brussels (Bỉ), các trận hạn hán, lũ lụt và mưa bão năm ngoái đã gây thiệt hại hơn 224 tỷ USD trên toàn cầu. Khi biến đổi khí hậu thúc đẩy lượng mưa, lũ lụt và hạn hán trở nên dữ dội hơn trong những thập kỷ tới, các chi phí này sẽ tăng lên. Tại Mỹ, thiệt hại có thể lên tới 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm khoảng 0,5% mỗi năm cho đến thời điểm đó.
Trong 5 lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu, sản xuất và phân phối sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, lên đến 4,2 nghìn tỷ USD, vì hạn hán sẽ làm gián đoạn sản xuất, trong khi mưa bão, lũ lụt phá hủy cơ sở hạ tầng và hàng tồn kho. Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán và mưa lớn, thiệt hại có thể lên tới 332 tỷ USD vào năm 2050. Các lĩnh vực khác cũng phải đối mặt với nguy cơ lớn là bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm và năng lượng.
Trước những vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu, ông Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi thế giới hãy ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu và chung tay hành động ngay. Theo người đứng đầu Liên Hợp Quốc, do cam kết của các nước công nghiệp phát triển cũng như những thành viên còn lại trong nhóm các nền kinh tế lớn (G20) còn quá ít và chậm trễ nên với tốc độ ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện nay, thế giới không thể hạn chế được mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, chưa nói đến mục tiêu 1,5 độ C đã đề ra.
Cam kết mang đến động lực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh như vậy, cam kết của các nhà lãnh đạo tài chính G7 đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng thế giới. Hiện nay các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo rất cần các nguồn tài chính và giải pháp để cân bằng giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế. Theo Reuters, các quan chức G7 bày tỏ quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, qua đó giúp củng cố an ninh năng lượng. Ngoài ra, G7 cũng cam kết đạt tiến bộ đáng kể để hiện thực hóa các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 27, các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới. Theo đó, các nước giàu duy trì cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu.
Cam kết của các nước phát triển đã được đưa ra từ năm 2009 về việc phân bổ 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, song không được thực hiện một cách đầy đủ. Thậm chí cả trong trường hợp được giải ngân đầy đủ, thì số tiền hỗ trợ cũng chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu của các quốc gia. Năm 2021, nhóm nước giàu một lần nữa hứa tăng tài trợ cho các chương trình thích ứng khí hậu, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các nước đang phát triển. Khi kinh tế toàn cầu có nguy cơ gây ảnh hưởng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển đã phát đi thông điệp chung cần có thêm các nguồn quỹ, nguồn lực tài chính để chống biến đổi khí hậu. Việc các nước nghèo tiếp cận các nguồn tài chính cần phải được đơn giản hóa. Các quốc gia phát triển cần đưa ra một lộ trình rõ ràng nhằm khởi động việc phân bổ các gói tài chính đã cam kết tài trợ, những vấn đề tài trợ cho các nước khắc phục thiệt hại liên quan khí hậu là một trong những điểm quan trọng sẽ được ưu tiên thảo luận tại COP27.
Ai Cập là nước chủ nhà COP27, cam kết nỗ lực thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển và nhu cầu tài chính để thích ứng tác động của biến đổi khí hậu. Các định chế tài chính quốc tế sẽ dành ưu tiên tài trợ cho các dự án giảm phát thải ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, giúp các nước tăng cường khả năng tiếp cận thị trường carbon quốc tế. Hơn nữa, ba lĩnh vực được Ngân hàng Thế giới (WB) ưu tiên tài trợ hiện nay gồm: Các giải pháp khí hậu tự nhiên dựa trên nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và đại dương; Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững như năng lượng và giao thông; Những giải pháp tài chính và tài khóa, huy động trực tiếp hay gián tiếp nguồn lực cho các hành động vì khí hậu.
Trong tài khóa 2022 (đã kết thúc vào ngày 30.6), WB đã cung cấp hơn 30 tỷ USD cho các hoạt động tài chính liên quan khí hậu. WB thông báo sẽ thành lập quỹ tín thác mới, mang tên Quỹ Hành động khí hậu để giảm phát thải (SCALE), tập hợp các quỹ công tài trợ cho những dự án giảm phát thải carbon, trong đó có việc ngừng vận hành các nhà máy nhiệt điện.
Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ tài chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi hiện nay 80% nguồn tài chính là từ ngân sách quốc gia, một vấn đề rất khó khăn với các nước đang phát triển. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương G7 nhấn mạnh việc phát triển thị trường carbon với độ minh bạch cao và định giá carbon sẽ thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu mức phát thải với chi phí thấp, cũng như khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực liên quan tới khí hậu. Đánh giá về cam kết mà các nhà lãnh đạo tài chính G7, nhiều chuyên gia kinh tế và khí hậu nhận định, động thái này sẽ tạo đà để các quốc gia phát triển mạnh dạn hơn trong các quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh COP27.