Động lực trên quê hương 'trung dũng, kiên cường'
Những địa danh Tân An, Chợ Lớn, Đức Hòa, Đồng Tháp Mười... đã gắn liền với vùng đất Long An trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến 75 năm trước. Về quê hương 'trung dũng, kiên cường' hôm nay, chúng ta cảm nhận được sự 'thay da đổi thịt', một diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị trên nhiều lĩnh vực.
Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân Long An năm xưa kiên cường trong kháng chiến thì hôm nay tiếp tục xung kích trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh.
Tự hào “Mùa thu rồi, ngày hăm ba...”
Những ngày cuối tháng Chín lịch sử, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh Long An tổ chức những chuyến về nguồn, tham quan khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam Bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Những năm kháng chiến chống Pháp, Nhơn Hòa Lập vừa là căn cứ cách mạng, vừa là hành lang chiến lược quan trọng của Khu 8 và toàn miền Nam. Trên con đường dẫn vào khu di tích, lời hát “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...” của ca khúc “Nam Bộ kháng chiến” (nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn) từ loa phát thanh như truyền hào khí của mùa thu năm ấy vào lòng người. Cựu chiến binh Nguyễn Kim Quy ở xã Nhơn Hòa Lập tự hào giới thiệu: “Chính vùng đất này, những cơ quan bí mật của Đảng, chính quyền, lực lượng du kích vũ trang hoạt động với sự chở che, đùm bọc của nhân dân từ giai đoạn khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đến Nam Bộ kháng chiến năm 1945. Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam Bộ là một trong những căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập) tâm sự: “Ông bà của tôi tham gia cách mạng, nuôi giấu, phục vụ các đồng chí lãnh đạo tại khu căn cứ này. Nay, tôi lại được là nhân viên phục vụ du khách tại khu di tích. Tôi luôn chú ý khai thác, tái hiện những câu chuyện kháng chiến ngày xưa từ các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng để bồi dưỡng kiến thức, vốn sống cho bản thân và góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước đến với mọi người”.
Với vị trí địa lý đặc biệt, trong kháng chiến, vùng đất Tân An-Chợ Lớn nổi tiếng với nhiều địa danh như: Mộc Hóa, Kiến Tường, Đức Hòa, Cần Giuộc... bên bờ sông Vàm Cỏ Tây (khu vực thị xã Kiến Tường) ngày nay vẫn còn chứng tích khẩu súng thần công của quân và dân Mộc Hóa-Kiến Tường bắn vào đoàn tàu chiến của Pháp trong những ngày Nam Bộ kháng chiến. Hình ảnh đó như nhắc nhở thế hệ hôm nay phải luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống cha ông trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới. Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, nhân dân Tân An-Chợ Lớn mới có hơn 20 ngày được hưởng độc lập, đã nhanh chóng kiên cường quật khởi, chiến đấu anh dũng, cùng miền Nam kháng chiến giành thắng lợi. Tinh thần từ “Mùa thu rồi, ngày hăm ba...” của quân và dân Long An đã vun đắp nên truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”...
Sức bật từ nông thôn mới
Trở lại vùng đất cách mạng Nhơn Hòa Lập hôm nay, dấu vết tàn phá của chiến tranh đã nhường chỗ cho những tuyến đường bê tông hóa liền mạch, những khu vực chăn nuôi, trồng trọt được quy hoạch cơ bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hình thành nền sản xuất hàng hóa; đời sống người dân không ngừng tăng lên. Đồng chí Võ Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập phấn khởi thông tin với chúng tôi, địa phương từ vùng nông nghiệp nghèo, lạc hậu đã phát triển thành xã trọng điểm sản xuất lương thực, phát triển nông nghiệp của huyện. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 60 triệu đồng/năm. Đó là kết quả của sự đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng quê hương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Địa phương đặt mục xây dựng thành công xã nông thôn mới tiêu biểu vào năm 2025.
Điểm nổi bật tạo nên sự thay đổi ở những vùng quê cách mạng trên địa bàn tỉnh Long An là phong trào xây dựng nông thôn mới, huy động nguồn lực xã hội hóa. Điều đó được minh chứng rõ nét khi điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn nông thôn mới, người dân mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trồng trọt, chăn nuôi... tạo nên nhịp sống mới ở vùng quê cách mạng. Đặc biệt, các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đều có sự chung tay, góp sức tích cực của nhân dân. Đến nay, tỉnh Long An đã huy động nguồn vốn xã hội hóa được hơn 610 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, chăm lo an sinh xã hội. Toàn tỉnh đã có 55% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và một huyện nông thôn mới là Châu Thành. Tỉnh đang phấn đấu cuối năm 2020 có 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, gồm trồng lúa, thanh long, rau và vùng nuôi bò thịt. Các vùng này tập trung chủ yếu ở địa phương vốn là cái nôi cách mạng trước đây như: Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Cần Giuộc, Đức Hòa...
Từ một đô thị nhỏ, sau ngày thống nhất đất nước, TP Tân An đã vươn lên thành đô thị loại II vào năm 2019 và đang vững bước với mục tiêu xây dựng đô thị loại I. Đồng chí Lê Công Đỉnh, Bí thư Thành ủy Tân An cho biết: “Diện mạo, cảnh quan đô thị Tân An đang ngày càng đổi thay tích cực, cuộc sống người dân trên địa bàn ổn định, phát triển. Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Tân An nhiệm kỳ 2020-2025 vừa thành công tốt đẹp, đã đề ra các chương trình đột phá rất thiết thực nhằm đưa thành phố cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 theo hướng đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại, tạo điểm nhấn của một đô thị trẻ, năng động”.
Phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” cùng khí thế hào hùng mùa Thu lịch sử 75 năm trước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Long An luôn thi đua, cống hiến trên các lĩnh vực, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. 5 năm gần đây, với tư duy sáng tạo, tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá, công trình trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định; kinh tế-xã hội phát triển vững chắc, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 9,62%/năm. Một số đô thị khác như: Thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức), thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa), thị xã Kiến Tường... ở khu vực Đồng Tháp Mười cũng đang có những bước phát triển rõ rệt theo mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân từ cấp xã, phường đến huyện, tỉnh đang nỗ lực thi đua hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đồng chí Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, phát huy truyền thống, sự đồng thuận, đoàn kết một lòng của toàn đảng bộ và quân, dân trong tỉnh, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai phát triển đồng bộ hệ thống đô thị để hình thành những hạt nhân, động lực cho tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng trong tỉnh. Long An đang quy hoạch đô thị vành đai vệ tinh cho TP Hồ Chí Minh, kết nối TP Tân An với TP Hồ Chí Minh thành trục đô thị động lực.