Động lực từ chương trình giảm nghèo ở Lục Nam

Từ các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Lục Nam có thêm điều kiện phát triển kinh tế, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Nhiều dự án được triển khai

Từng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50% nhưng giờ đây Bình Sơn đã có sự đổi thay đáng khích lệ. Con đường đất nhỏ hẹp, gập ghềnh toàn đá dẫn từ tỉnh lộ 293 vào xã trước đây được thay bằng đường bê tông nhựa rộng 7 m, hai bên đường nhiều nhà cao tầng được xây mới. Tại các thôn trong xã, đường giao thông, nhà văn hóa được đầu tư cải tạo, xây mới, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

 Từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, diện mạo nông thôn mới xã Bình Sơn có nhiều khởi sắc.

Từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, diện mạo nông thôn mới xã Bình Sơn có nhiều khởi sắc.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Lý Văn Chính, các dự án từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai đã mang đến làn gió mới trong công tác giảm nghèo của xã. Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, xã Bình Sơn được UBND huyện phân bổ gần 1 tỷ đồng triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tham gia dự án, hơn 100 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, được hỗ trợ con giống (bò, gà) và một phần thức ăn. Qua rà soát, năm nay, toàn xã có 8 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo được hưởng lợi từ các dự án triển khai năm 2023 thoát nghèo.

Anh Trương Văn Bằng (SN 1985), thôn Nghè Mản cho biết: “Do thiếu kinh nghiệm sản xuất, nhà đông con nên nhiều năm gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở và phương tiện chuyển đổi nghề (máy cưa), tôi có điều kiện để phát triển kinh tế. Cùng với chăm sóc 2 ha rừng, tôi tranh thủ đi cắt gỗ thuê cho các hộ trong xã nên có thu nhập ổn định và tự nguyện đăng ký thoát nghèo trong năm nay”.

Từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022-2024, huyện Lục Nam được phân bổ 28,58 tỷ đồng thực hiện các dự án giảm nghèo. Đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ được 50 mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho 1.357 hộ thụ hưởng với tổng kinh phí 11,9 tỷ đồng. Trong đó có 551 hộ nghèo, 495 hộ cận nghèo, còn lại là hộ thoát nghèo trong vòng 36 tháng, người khuyết tật không có sinh kế ổn định và hộ làm kinh tế giỏi.

Các xã, thị trấn cũng triển khai 22 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp với 238 hộ hưởng lợi, trong đó có 87 hộ nghèo, 98 hộ cận nghèo, 21 hộ mới thoát nghèo trong 36 tháng; tổng kinh phí thực hiện hơn 4 tỷ đồng. Cùng đó, hằng năm, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp đào tạo nghề cho đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Vũ Hoài Sơn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Nam, từ các nguồn vốn hỗ trợ, nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện được đầu tư cải tạo hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống. Được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nhiều hộ nghèo có động lực vươn lên, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường để vươn lên thoát nghèo.

Tiếp tục hỗ trợ sinh kế

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm theo từng năm. Qua tổng hợp kết quả rà soát sơ bộ từ các xã, thị trấn, năm nay, số hộ nghèo của huyện còn 1.351 hộ, chiếm 2,13%; giảm 593 hộ (0,87%); 1.503 hộ cận nghèo, chiếm 2,37%; giảm 665 hộ (0,65%) so với năm 2023. Mặc dù vậy, qua đánh giá, công tác giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo mới phát sinh lớn; tỷ lệ hộ nghèo giữa các xã, thị trấn còn chênh lệch.

Qua tổng hợp kết quả rà soát sơ bộ từ các xã, thị trấn, năm 2024, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1.351 hộ, chiếm 2,13%; giảm 593 hộ (0,87%) so với năm 2023. Đối với hộ cận nghèo, sau rà soát, toàn huyện còn 1.503 hộ, chiếm 2,37%; giảm 665 hộ (0,65%) so với năm 2023.

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác giảm nghèo, thời gian tới, cơ quan chuyên môn của huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân. Tiếp tục hỗ trợ dạy nghề cho 100% lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo khi có nhu cầu học nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động. Bảo đảm 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện; được tiếp cận các chương trình dự án.

“Cùng với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, chúng tôi tăng cường phối hợp, giám sát và hỗ trợ để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của hộ nghèo và cận nghèo. Chủ động tham mưu UBND huyện có công văn đôn đốc các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chậm triển khai các dự án; tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu và thanh toán khối lượng hoàn thành đủ điều kiện", ông Vũ Hoài Sơn cho biết.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dong-luc-tu-chuong-trinh-giam-ngheo-o-luc-nam-154205.bbg