Đồng Nai: Cần hơn 150 ngàn tỷ đồng vốn vay cho các chương trình mục tiêu quốc gia
Vốn tín dụng được xác định là nguồn vốn chủ đạo để tỉnh Đồng Nai hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025.
Đồng Nai: Tăng cường kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh này trong năm 2025 đối với các chương trình lớn là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Vốn tín dụng góp phần quan trọng giúp các địa phương xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: B.N
Để có vốn triển khai các chương trình này, tỉnh Đồng Nai xác định, trong năm nay, ngân sách địa phương (tỉnh) sẽ bố trí khoảng hơn 2.030 tỷ đồng để phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; bố trí khoảng 5,25 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững và gần 259 tỷ đồng cho chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Ngoài các nguồn vốn khác do ngân sách cấp huyện bố trí và nguồn vốn huy động từ xã hội hóa (doanh nghiệp, người dân), trong năm 2025 tỉnh Đồng Nai sẽ có nhu cầu sử dụng khoảng 152.300 tỷ vốn vay tín dụng cho ba chương trình mục tiêu quốc gia kể trên.
Trong đó, tổng nhu cầu vốn cho vay đối với chương trình xây dựng nông thôn mới chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoảng 152.000 tỷ đồng, hai chương trình còn lại lần lượt là 175 tỷ đồng (giảm nghèo bền vững) và 112,6 tỷ đồng (phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi).
Được biết, tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt khoảng 416.000 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2023. Trong đó, cho vay lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng 27,3%. Các khoảng vay lớn tập trung vào các dự án xây dựng nông thôn mới, các nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, lâm sản.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay các tổ chức tín dụng tại địa phương cũng đã đẩy mạnh cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, dư nợ cho vay các lĩnh vực này đến cuối tháng 2/2025 ước khoảng 8.000 tỷ đồng với 5.300 khách hàng còn dư nợ. Riêng đối với cho vay xây dựng nông thôn mới, dư nợ đến cuối năm 2024 đạt khoảng 127.200 tỷ đồng, tăng 10,95% so với cuối năm 2023.