Đồng Nai đang quá tải điều trị cho bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn

Sáng 23-6, Sở Y tế phối hợp với Công ty Fresenius Medical Care Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học Tối ưu hóa lọc máu cho người bệnh thận nhân tạo với sự tham gia của lãnh đạo Hội Lọc máu Việt Nam, các bác sĩ, điều dưỡng đến từ nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh.

TS-BS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.Dung

TS-BS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.Dung

TS-BS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm thận - tiết niệu và lọc máu Bệnh viện Bạch Mai cho hay, cả nước hiện có hơn 40 ngàn bệnh nhân đang phải điều trị thay thế thận, trong đó hơn 30 ngàn bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế là sẽ phát triển kỹ thuật lọc máu về tuyến huyện vì bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn phải điều trị suốt đời, nếu phải đi xa để chạy thận sẽ rất khó khăn, bất tiện, tốn kém chi phí.

Hiện, có nhiều địa phương đã đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo về tuyến huyện. Riêng tại Đồng Nai có 3 trung tâm y tế Cẩm Mỹ, Trảng Bom và Định Quán đã triển khai chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra còn có các bệnh viện Long Thành, Long Khánh, Định Quán cũng đã triển khai nhiều năm nay. Đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất có số lượng máy lọc thận lớn nhất cả nước với 104 máy, chạy thận 4 ca/ngày. Công tác tổ chức, thực hiện tốt chạy thận nhân tạo rất quan trọng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Các chuyên gia về lọc máu chủ trì thảo luận tại hội thảo. Ảnh: H.Dung

Các chuyên gia về lọc máu chủ trì thảo luận tại hội thảo. Ảnh: H.Dung

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2002, tỉnh Đồng Nai bắt đầu triển khai chạy thận nhân tạo điều trị bệnh suy thận mạn tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Những năm qua, số lượng bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn ngày càng tăng.

Từ 1 đơn vị với 2 máy chạy thận ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có 10 bệnh viện, trung tâm y tế tổ chức chạy thận nhân tạo với 280 máy. Có khoảng 1,5 ngàn bệnh nhân đang được quản lý và chạy thận thường xuyên tại các đơn vị. Mặc dù lãnh đạo tỉnh và ngành Y tế đã quan tâm đầu tư thêm nhiều máy móc nhưng số lượng máy chạy thận trong tỉnh hiện chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh dẫn đến quá tải. Còn nhiều bệnh nhân phải lên các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh để chạy thận mỗi tuần 3 lần.

Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức mới nhất về chạy thận nhân tạo. Qua đó giúp lãnh đạo Sở Y tế có cái nhìn toàn diện về số lượng bệnh nhân, công tác đầu tư trang thiết bị máy móc, đào tạo nhân lực phục vụ chạy thận nhân tạo trên địa bàn. Mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng điều trị, giúp người bệnh có cuộc sống gần giống như người bình thường. Đồng thời, giúp các bác sĩ, điều dưỡng có thêm nhiều kiến thức bổ ích để thực hiện tốt công việc.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202406/dong-nai-dang-qua-tai-dieu-tri-cho-benh-nhan-bi-benh-suy-than-man-8741b67/