Đồng Nai mới theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh

Là tỉnh công nghiệp trọng điểm của cả nước, Đồng Nai đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình phát triển xanh, tuần hoàn và bền vững. Bước ngoặt quan trọng trong lộ trình này là việc UBND tỉnh ban hành Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Đề án Net zero) vào đầu năm 2024.

Sản xuất tại Công ty CP Thiết bị điện, Khu công nghiệp Long Đức - một trong những khu công nghiệp đang chuyển hướng mô hình phát triển xanh. Ảnh: Hoàng Lộc

Sản xuất tại Công ty CP Thiết bị điện, Khu công nghiệp Long Đức - một trong những khu công nghiệp đang chuyển hướng mô hình phát triển xanh. Ảnh: Hoàng Lộc

Đây là đề án quy mô cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước đặt mục tiêu hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0. Sau sáp nhập tỉnh, Đồng Nai vẫn giữ nguyên định hướng chiến lược này.

Không thay đổi mục tiêu, lộ trình

Đề án Net zero đã chọn 7 nhóm lĩnh vực trọng tâm cần giảm phát thải gồm: năng lượng; giao thông; công nghiệp; môi trường; nông, lâm nghiệp và sử dụng đất; xây dựng và vật liệu; khu đô thị. Đồng thời, đề án đề ra 3 hợp phần thực hiện: tăng cường thể chế và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế carbon thấp; thúc đẩy chuyển đổi công nghệ và mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh; nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng.

Với mỗi lĩnh vực đều có lộ trình hành động cụ thể, từ giảm tiêu thụ điện trong công nghiệp, thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, đến phát triển đô thị thông minh, hệ thống giao thông công cộng chạy điện, tái chế chất thải và nông nghiệp carbon thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, mục tiêu của Đề án Net zero không chỉ là giảm phát thải, mà còn hướng đến mô hình tăng trưởng mới dựa trên khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ hệ sinh thái và thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và COP28.

Không dừng lại ở định hướng, các sở, ngành trong tỉnh đã nhanh chóng cụ thể hóa đề án thành chương trình, dự án hành động. Điển hình trong lĩnh vực năng lượng, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) như: Amata, Long Đức, Giang Điền, Nhơn Trạch 3... đã triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà, thực hiện kiểm toán năng lượng, lập báo cáo phát thải khí nhà kính và chuyển đổi số trong sản xuất.

Đề án Net zero của Đồng Nai chia làm 4 giai đoạn: từ năm 2025-2030, giảm phát thải khí nhà kính 20%; từ năm 2030-2035, giảm 45%; từ năm 2035-2045, trung hòa carbon và năm 2050 phát thải khí nhà kính bằng 0. Ảnh: Hoàng Lộc

Tổng giám đốc Công ty CP Dệt Renze (KCN Nhơn Trạch 5) Nguyễn Cao Việt chia sẻ, chúng tôi đã đăng ký lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ với tổng công suất khoảng 25 ngàn kW. Đây không chỉ là bước đi đồng hành cùng chính sách của tỉnh, mà còn là tiêu chí năng lượng xanh giúp sản phẩm thuận lợi hơn khi xuất khẩu.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Phó giám đốc Sở Xây dựng Não Thiên Anh Minh cho biết, sau sáp nhập tỉnh, nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao. Vì vậy, sở đang tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh tổng thể quy hoạch hệ thống xe buýt để đáp ứng nhu cầu mới, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện theo hướng tiện dụng, chất lượng, an toàn, hiệu quả; đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị và góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Riêng lĩnh vực xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, Đồng Nai là địa phương đi đầu trong quy hoạch các khu xử lý chất thải tập trung và trạm xử lý nước thải trong KCN. Hiện tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, cũng như nước thải công nghiệp của tỉnh đều đạt mức cao hơn bình quân cả nước.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã quy hoạch lại vùng chăn nuôi, định hướng phát triển vùng chuyên canh cây trồng, cánh đồng lớn, cùng với đó xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Cực tăng trưởng xanh của cả nước

Từ ngày 1-7-2025, tỉnh Đồng Nai mới chính thức đi vào hoạt động, mở ra một giai đoạn phát triển với quy mô và tiềm lực lớn hơn. Trong bối cảnh này, Đề án Net zero được xác định là trụ cột xuyên suốt cho chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.

Tài nguyên rừng tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Tài nguyên rừng tại Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính tạo điều kiện để tỉnh quy hoạch lại không gian phát triển theo hướng sinh thái. Theo định hướng này, các KCN hiện hữu sẽ dần chuyển đổi sang mô hình xanh, sinh thái; những KCN lâu đời, không còn phù hợp như Biên Hòa 1 sẽ được di dời để nhường chỗ cho các dự án mới; chỉ tiếp nhận các dự án có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường.

Các khu vực như: Vườn quốc gia Cát Tiên (gần 72 ngàn hécta), Vườn quốc gia Bù Gia Mập (hơn 26 ngàn hécta), Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (khoảng 100,5 ngàn hécta), núi Chứa Chan, núi Bà Rá... sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các cụm dân cư và đô thị mới theo tiêu chuẩn phát thải thấp.

Lợi thế của tỉnh Bình Phước (cũ) là diện tích rừng lớn, tiềm năng năng lượng sinh khối và đất nông nghiệp. Vì vậy, các mục tiêu và 11 nhóm nhiệm vụ trong Kế hoạch Hành động về tăng trưởng xanh của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2024-2030 sẽ được tích hợp vào hệ thống phát triển chung, đóng góp vào tín chỉ carbon, năng lượng xanh và nông nghiệp bền vững của tỉnh Đồng Nai mới. Đây là những yếu tố quan trọng giúp tỉnh thực hiện thành công Đề án Net zero và trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng mô hình tỉnh carbon trung tính vào năm 2050.

Một trong những điểm sáng của Đề án Net zero mà Đồng Nai đang thực hiện là sự tham gia chủ động của doanh nghiệp và người dân. Có được kết quả này là do UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh truyền thông, tổ chức đào tạo, đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn, tín dụng xanh, ưu đãi về thuế và đất đai cho các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Đồng Nai cũng là một trong số ít địa phương thành lập Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh cấp tỉnh với sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và nhà khoa học nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp liên ngành, toàn diện cho phát triển xanh.

Sự chủ động trong xây dựng và triển khai Đề án Net zero cho thấy, Đồng Nai không chỉ là trung tâm công nghiệp của cả nước, mà còn tiên phong trong chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Tới đây, khi hệ thống hạ tầng xanh, giao thông xanh, đô thị thông minh và các vùng đa dạng sinh học được liên kết chặt chẽ, tỉnh kỳ vọng sẽ trở thành một cực tăng trưởng kinh tế xanh của vùng và cả nước.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/dong-nai-moi-theo-duoi-muc-tieutang-truong-xanh-ae24f2f/