Đồng Nai tiên phong xây dựng nhà máy xanh, thông minh Bài 2: Doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng xanh

Đầu tư vào công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của đối tác là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp (DN) Việt sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Huỳnh Đức (thành phố Biên Hòa) đầu tư lớn để trang bị máy móc hiện đại vào sản xuất. Ảnh: V. Thế

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Huỳnh Đức (thành phố Biên Hòa) đầu tư lớn để trang bị máy móc hiện đại vào sản xuất. Ảnh: V. Thế

Những năm qua, ngày càng có nhiều DN Việt mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào các nhà máy để sản xuất. Từ đó tăng năng suất, chất lượng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng thương hiệu của DN ngày càng phát triển.

Đổi mới công nghệ để tăng năng suất, chất lượng

Tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa, Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật VinaStar (thành phố Biên Hòa) đang vươn lên hàng ngũ DN vừa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Ông Mai Khanh, Giám đốc công ty, cho hay nhiều nhân sự chủ chốt trong đơn vị từng làm việc trong những DN lớn của Nhật Bản nên tích lũy được nhiều kỹ năng, công nghệ để phục vụ quá trình sản xuất, cải tiến sản phẩm.

Bắt đầu từ năm 2019, DN này đã mạnh dạn triển khai Dự án Áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng của Bộ Công thương, do Viện Năng suất Việt Nam triển khai. Thông qua đó, VinaStar đã dần đầu tư, áp dụng công nghệ, máy móc để giảm nhân công trong khi sản lượng sản xuất vẫn tăng. Công ty đang định hướng chuyển đổi số tại một số quy trình như quản lý định mức sản phẩm; quản lý đơn hàng, kế hoạch sản xuất, tiến độ sản xuất; quản lý quy trình áp dụng chữ ký điện tử, quản lý chất lượng, quản lý máy móc thiết bị. Đầu năm 2025, các giải pháp sẽ được đưa vào áp dụng, từ đó sẽ kiểm soát các chi phí một cách tối ưu nhất.

Theo Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 thì Việt Nam đặt mục tiêu giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70-75%. Có khoảng 1 ngàn chuyên gia năng suất, chất lượng, trong đó 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế. Phấn đấu hàng năm số DN được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng tăng từ 10-15%.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Huỳnh Đức (thành phố Biên Hòa) những năm gần đây đã đầu tư nhiều hệ thống máy mới để gia tăng năng suất, chất lượng. Dù việc đầu tư tốn kém hơn nhiều, nhưng sản phẩm làm ra tốt hơn, khả năng cạnh tranh đương nhiên cũng cao hơn. Huỳnh Đức đã xây dựng được 2 nhà máy hiện đại trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai và thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Phạm Ngọc Duy, Giám đốc điều hành công ty, DN đã tham gia cung ứng sản phẩm cho nhiều đối tác khách hàng là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là bảo chứng cho những nỗ lực của DN Việt. Từ 80% khách hàng ban đầu là các nhà máy Nhật Bản, rồi đến các tập đoàn của Mỹ, châu Âu đầu tư tại Việt Nam, DN bắt đầu có doanh thu 10% từ xuất khẩu trực tiếp thiết bị đi nước ngoài. Việc tiếp cận hệ thống quản lý, vận hành của các tập đoàn lớn nhất thế giới giúp học hỏi, nâng tầm DN.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Lại Thế Thông, những năm qua, Đồng Nai luôn đồng hành cùng DN trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thông qua việc triển khai các chương trình, chính sách chung trên địa bàn, thời gian tới Đồng Nai sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nội dung liên quan đến Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Song song đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ chuyên gia năng suất, chất lượng để phục vụ cho giai đoạn tiếp theo khi tỉnh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh.

Tham gia vào sản xuất bền vững

Không chỉ đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng suất mà các DN cũng rất chú trọng đến việc phát triển bền vững, sản xuất xanh. Trong lĩnh vực xây dựng, Công ty CP Kết cấu thép GSB ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) hiện có thể đảm nhiệm tổng thầu để xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất công nghiệp cho các đối tác lớn khắp cả nước. Để hạn chế các tác động tiêu cực, DN sử dụng hệ thống máy lạnh lớn trong nhà xưởng được làm mát từ việc sử dụng pin năng lượng mặt trời. GSB còn hợp tác chiến lược với đối tác lớn đến từ Úc để tạo ra những công trình, nhà xưởng tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Điều này phù hợp với xu hướng xây dựng của tương lai khi tất cả đều hướng tới phát triển bền vững.

Đối tác nước ngoài làm việc với doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai. Ảnh:Văn Gia

Đối tác nước ngoài làm việc với doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai. Ảnh:Văn Gia

Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT công ty, hợp tác với đối tác lớn quốc tế giúp DN có đầy đủ năng lực để sản xuất cấu kiện thép đáp ứng yêu cầu khắt khe của các dự án cân bằng năng lượng. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu dài hạn không chỉ cung cấp cấu kiện thép chất lượng cao cho thị trường trong nước mà còn cả thị trường khu vực. DN cũng sẽ hợp tác, hỗ trợ, nâng cao năng lực chuyên môn lẫn nhau thông qua các chuyến trải nghiệm, tham quan xu hướng kiến trúc mới và những công trình công nghiệp điển hình trong ngành.

Là một DN tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm với nhiều nhà máy, trang trại nguyên liệu ở Đồng Nai, Ninh Thuận, Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food, huyện Trảng Bom) đã xuất khẩu hàng hóa sang một số nước châu Âu cũng như một số nước khác. GC Food phải cung cấp danh mục các hoạt động mà DN đang thực hiện nhằm giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường và phải chứng minh bằng những số liệu cụ thể, chứ không đơn thuần là liệt kê những hoạt động mang tính chủ quan. Công ty đang áp dụng nhiều hình thức sử dụng năng lượng tái tạo như pin năng lượng mặt trời, sử dụng xe nâng bằng điện; bổ sung nhiều cây trồng tại nhà máy và giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch từ xăng dầu…

Ông Nguyễn Thế Nam, chuyên gia phụ trách chương trình cải tiến năng suất chất lượng của Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa 2 (SMEDEC 2), nhận định Đồng Nai là địa phương có mức độ sản xuất phát triển mạnh, quy mô lớn nên việc cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng cho các DN là vô cùng cần thiết. Là đơn vị công lập nên SMEDEC 2 sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, tư vấn tìm ra các giải pháp giúp DN tăng năng suất, chất lượng, phát triển bền vững. Điều quan trọng là bản thân DN cần phải nhận thức rõ và có sự thôi thúc từ bên trong, khi đó hiệu quả sẽ cao hơn.

Nhóm P.V

>>> Bài 3: Sản phẩm xanh giúp giữ vững, mở rộng thị trường

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/dong-nai-tien-phong-xay-dung-nha-may-xanh-thong-minh-bai-2-doanh-nghiep-viet-vao-chuoi-cung-ung-xanh-8224de4/