Đông Nam Á - 'ngôi sao' đang lên thu hút các ông lớn công nghệ

Từ lâu được coi là khu vực khá kín tiếng về công nghệ, Đông Nam Á đang nhanh chóng nổi lên như một trung tâm hấp dẫn của ngành.

CEO từ các tập đoàn lớn trong ngành như Apple, Microsoft và Nvidia đã liên tục tới khu vực này trong thời gian qua, mang theo những khoản cam kết đầu tư hàng tỷ USD và giữ liên lạc thường xuyên với các nguyên thủ quốc gia.

Sự ra đời của AI đang thúc đẩy các "gã khổng lồ" công nghệ theo đuổi những nguồn tăng trưởng mới, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho tương lai của khu vực. Ảnh: Bloomberg

Sự ra đời của AI đang thúc đẩy các "gã khổng lồ" công nghệ theo đuổi những nguồn tăng trưởng mới, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho tương lai của khu vực. Ảnh: Bloomberg

Trong tuần này, tập đoàn Amazon đã tiếp quản một trụ sở lớn ở trung tâm thành phố Singapore để triển khai kế hoạch đầu tư trị giá 9 tỷ USD.

Nhiều thập kỷ đứng thứ hai sau Trung Quốc và Nhật Bản, khu vực có khoảng 675 triệu dân này đang thu hút nhiều đầu tư công nghệ hơn bao giờ hết. Chỉ riêng đối với các trung tâm dữ liệu, những công ty lớn nhất thế giới dự kiến sẽ chi tới 60 tỷ USD trong vài năm tới khi giới trẻ ở Đông Nam Á đón nhận dịch vụ livestream, mua sắm trực tuyến và AI tổng hợp.

Thung lũng Silicon đang đặt mục tiêu vào các khu vực thân thiện với doanh nghiệp, nguồn nhân tài phát triển nhanh chóng và thu nhập gia tăng. Sự ra đời của AI đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo công nghệ theo đuổi những nguồn tăng trưởng mới, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho tương lai của khu vực.

Ông Sean Lim, đối tác quản lý của NWD Holdings có trụ sở tại Singapore, chuyên đầu tư vào các dự án dựa trên AI và các lĩnh vực khác, cho biết: “Các quốc gia như Singapore và Malaysia phần lớn giữ thái độ trung lập trước những căng thẳng địa chính trị xảy ra với Trung Quốc, Mỹ, Ukraine và Nga”.

“Trong bối cảnh các cuộc chiến tranh đang diễn ra, khu vực này đã trở nên hấp dẫn hơn,” ông Sean Lim cho biết.

Hãy lấy ví dụ về Tim Cook và Satya Nadella, vào tháng trước, những CEO này đã bắt đầu chuyến đi xuyên Đông Nam Á quy mô nhất trong vòng nhiều năm qua. Các khoản đầu tư mà họ cam kết sẽ giúp biến khu vực này thành chiến trường lớn giữa những "gã khổng lồ" như Amazon, Microsoft và Google trong các lĩnh vực tương lai như trí tuệ nhân tạo và đám mây.

Khi chính phủ thúc đẩy cải thiện giáo dục và cơ sở hạ tầng, nơi đây trở thành cơ sở hấp dẫn cho mọi thứ, từ sản xuất và trung tâm dữ liệu đến nghiên cứu và thiết kế.

Đông Nam Á cũng đã trở thành một thị trường lớn dành cho thiết bị và dịch vụ trực tuyến. Theo ước tính của Chính phủ Singapore, khoảng 65% dân số Đông Nam Á sẽ thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, với sức mua ngày càng tăng. Điều đó sẽ giúp tăng gấp đôi thị trường dịch vụ dựa trên internet của khu vực lên 600 tỷ USD, theo ước tính của Google.

Apple hiện đang dự tính bổ sung thêm cửa hàng trong khu vực. Giám đốc điều hành Tim Cook đã đi thăm Việt Nam, Indonesia và Singapore vào cuối tháng 4, gặp gỡ các thủ tướng và công bố các khoản đầu tư mới.

Tại Jakarta, bên cạnh các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo đất nước, CEO Cook đã gặp một người có ảnh hưởng ở địa phương với gần 800.000 người theo dõi trên Instagram qua món sa tế gà và học ngôn ngữ địa phương để nói “Bạn khỏe không” trong một video lan truyền trên mạng xã hội.

“Đây là những thị trường mà thị phần của chúng tôi vẫn còn ở mức thấp,” CEO Tim Cook khẳng định.

CEO Microsoft Nadella cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình sau cuộc gặp với lãnh đạo Malaysia, Indonesia và Thái Lan vào tuần trước.

Sức hấp dẫn của châu Á trở nên rõ ràng khi xem xét tình hình ở Thung lũng Silicon, nơi đang gặp khó khăn trong việc đặt nền móng cho AI - được dự đoán sẽ trở thành một công nghệ định hình ngành. Trong vài tuần tới, hai sự kiện lớn về chủ đề AI tại Singapore sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu từ OpenAI, Anthropic, Microsoft và các tổ chức khác để tiếp tục quảng bá về triển vọng hứa hẹn của công nghệ này đối với Đông Nam Á.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Kearney, việc tăng tốc áp dụng AI ở Đông Nam Á có tiềm năng tăng thêm khoảng 1 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế khu vực vào năm 2030.

Điều đó có nghĩa là cần có nhiều trung tâm dữ liệu hơn để lưu trữ và xử lý lượng thông tin khổng lồ được truyền đi giữa bên sáng tạo nội dung, công ty và khách hàng.

Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, nhu cầu trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á và Bắc Á dự kiến sẽ tăng khoảng 25%/năm cho đến năm 2028. Thời điểm đó, Đông Nam Á sẽ trở thành nguồn doanh thu từ trung tâm dữ liệu ngoài Mỹ lớn thứ hai trên thế giới.

Các điểm nóng bao gồm khu vực Johor Bahru phía Nam Malaysia, nơi Nvidia năm ngoái đã hợp tác với một công ty tiện ích địa phương để lên kế hoạch xây dựng công viên trung tâm dữ liệu AI trị giá 4,3 tỷ USD.

Nvidia cũng đang nhắm đến Việt Nam, nơi CEO Jensen Huang coi là ngôi nhà thứ hai tiềm năng của công ty. Người ta bắt gặp CEO Huang đang thưởng thức món ăn đường phố và cà phê trứng, một đặc sản của Việt Nam, khi đi cùng với một số người bạn địa phương trong chiếc áo phông đen và quần jean quen thuộc. Kể từ đó, tập đoàn này đã xem Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là những địa điểm đầu tư tiềm năng.

Hiện tại, các công ty công nghệ lớn đang tận dụng những lợi thế của khu vực như lực lượng lao động có tay nghề cao nhưng chi phí tương đối thấp - hữu ích cho việc xây dựng các công nghệ đắt tiền như mô hình ngôn ngữ lớn không chỉ đắt đỏ mà còn cần các kỹ sư lành nghề. Hầu hết các doanh nghiệp Mỹ đều công bố chương trình đào tạo với chính quyền địa phương, trong đó Microsoft hứa hẹn sẽ đào tạo tổng cộng 2,5 triệu nhân lực về AI ở Đông Nam Á vào năm 2025.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-nam-a-ngoi-sao-dang-len-thu-hut-cac-ong-lon-cong-nghe.html