Đông Nam Á nỗ lực đẩy lùi 'bẫy việc nhẹ lương cao'
Với nguy cơ Đông Nam Á đang trở thành một trong những thiên đường của các tội phạm lừa đảo trực tuyến cũng như buôn bán người, các nước khu vực đang nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này.
Được cung cấp chỗ làm việc trực tuyến, ăn ở miễn phí, lương cao… đó là những lời chào mời hấp dẫn trên các trang mạng xã hội, đánh vào tâm lý của nhiều lao động ở các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên giấc mộng việc nhẹ lương cao đã kết thúc khi họ bị ép buộc thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến, làm nhiều giờ trong ngày với mức lương thấp, bị quản thúc và có cuộc sống nhiều người sau khi trốn thoát miêu tả như “trong tù”.
Chiêu thức lừa đảo mới tinh vi và phức tạp
Những thủ đoạn buôn bán người mới thách thức quan niệm truyền thống trước đây cho rằng nạn nhân chỉ là những người có hoàn cảnh khó khăn,ít học. Các nhóm tội phạm hiện nhắm vào cả những người có trình độ cao, những người có bằng đại học.
Hình thức lừa đảo phổ biến nhất là quảng cáo các cơ hội việc làm giả hoặc đề nghị một công việc với mức lương hậu hĩnh . Những người được tuyển dụng đều yêu cầu phải trẻ tuổi, giỏi tiếng Anh và biết sử dụng máy vi tính, thậm chí cần có ngoại hình, giao tiếp khéo léo. Những thông tin này được đăng trên các trang mạng xã hội hoặc đường dây liên lạc trực tiếp cá nhân, với những công việc phù hợp chuyên môn như nhân viên công nghệ thông tin, nhân viên bán hàng kỹ thuật số… nên người lao động hoàn toàn tin tưởng vào những lời quảng cáo. Những kẻ lừa đảo cũng đăng tải, chia sẻ hình ảnh người làm việc ở nước ngoài, thiết kế giao diện website giống của doanh nghiệp uy tín, mở văn phòng, tổ chức sự kiện tại khách sạn lớn. Ngoài ra các lời chào mời cũng rất hấp dẫn như được nuôi ăn ở với mức lương cao, không cần chi phí ban đầu hay thậm chí còn được ứng trước số tiền.
Một chiến thuật khác là tuyển dụng các công việc hợp pháp nhưng yêu cầu nhân viên phải vay nợ hoặc trả một khoản tiền lớn cho thị thực hoặc thủ tục giấy tờ. Chúng dùng khoản nợ tích lũy thông qua quá trình này để bóc lột nạn nhân. Những kẻ buôn người cũng thường lấy các giấy tờ đi lại hợp pháp của nạn nhân ngay khi đến nơi làm việc. Có thể nói công nghệ đã giúp các tổ chức tội phạm dễ dàng lừa đảo người lao động như sử dụng hình ảnh cảnh sát hoặc cựu cảnh sát đã nghỉ hưu để giả dạng, lấy lòng tin của nhiều người. Có trường hợp thậm chí còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để lập các đoạn video sĩ quan mặc quân phục nói chuyện, tăng tính thuyết phục cho các hoạt động tuyển dụng.
Hậu quả và hệ lụy
Xét về vấn đề an ninh phi truyền thống (NTS), các bệnh truyền nhiễm, thiên tai, di cư và cướp biển… từ lâu luôn được quan tâm trong các cuộc thảo luận trong ASEAN cũng như ngoài khu vực. Tuy nhiên với những tác động ngày càng hiện hữu, xóa bỏ nạn buôn bán người đang được quan tâm hơn bao giờ hết tại các quốc gia ASEAN.
Trước hết là về khía cạnh an ninh con người, báo chí khu vực đã gọi đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Đông Nam Á, với hàng chục nghìn người là nạn nhân của các vụ lừa đảo lao động. Một mặt, họ là nạn nhân của các vụ buôn người, bị bóc lột, lạm dụng và bị ngược đãi. Mặt khác họ lại tiếp tục trở thành kẻ lừa đảo các nạn nhân khác trên khắp thế giới. Nhiều người cho biết cố gắng thoát khỏi nơi làm việc nhưng bị bắt phải trả một số tiền rất lớn và lo sợ bị bán cho các tổ chức tội phạm khác. Những người được giải cứu và trốn thoát đã thuật lại câu chuyện đau lòng về việc bị đánh đập, giật điện tra tấn, bóc lột tình dục hay bỏ đói giam cầm trong phòng tối. Trong một thế giới hiện đại, báo chí vẫn đưa tin về những “nô lệ lao động” ở Đông Nam Á, đó là vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia khu vực đang nỗ lực thúc đẩy đảm bảo nhân quyền cho mọi công dân ASEAN.
Hiện Đông Nam Á cũng nổi lên trở thành một trung tâm lừa đảo trực tuyến trên toàn cầu, với việc các mạng lưới lừa đảo thường có quan hệ với tội phạm có tổ chức quốc tế, hình thành nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp. Tội phạm mạng sẽ ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn nếu không được kiểm soát. Vì vậy, các nước ASEAN đều xác định tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là một trong những nhiệm vụ nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở từng nước nói riêng và bảo đảm môi trường ổn định, hòa bình và phát triển khu vực nói chung. Những nỗ lực hợp tác này cũng sẽ ngăn ASEAN trở thành nơi ẩn náu của tội phạm, cũng như củng cố vị thế của ASEAN như một xã hội dựa trên luật pháp.
Sự "vào cuộc" của cả khu vực
Đây là một vấn đề ảnh hưởng đến nhiều quốc gia Đông Nam Á và cũng là vấn đề trọng tâm tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 vào tháng 5 vừa qua. Theo đó các nước khu vực đã thực hiện các chiến lược cụ thể để đối phó với tình trạng buôn bán người lạm dụng công nghệ.
Ở qui mô quốc gia, cảnh sát các nước đang mở chiến dịch truy quét, tăng cường tuần tra, kiểm soát để đối phó với tình trạng buôn người và những băng nhóm tội phạm lừa gạt người lao động trái phép. Ví dụ Philipin trong những tháng qua đã phá hàng loạt các địa điểm cờ bạc trực tuyến lừa đảo, giải cứu hàng nghìn lao động từ nhiều quốc gia. Indonesia cũng tăng cường các lực lượng truy quét các nhóm buôn người. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng tiến hành cải cách trong lực lượng đặc nhiệm chống buôn người, trừng phạt nghiêm khắc lực lượng an ninh “ tiếp tay” cho những kẻ buôn bán người.
Trong ngắn hạn, các nước cũng nâng cao hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin để giáo dục người dân về các dấu hiệu lừa đảo, cả về các cơ hội việc làm giả, dẫn đến nạn buôn người và các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Ở cấp độ khu vực, lãnh đạo các nước ASEAN đã ra Tuyên bố về chống buôn bán người do lạm dụng công nghệ. Tài liệu dài 4 trang kêu gọi xác định và giải quyết các lỗ hổng trong khung pháp lý và hệ thống, bao gồm cả vấn đề di cư và quản lý biên giới. Những nỗ lực của SEAN trong cuộc chiến chống nạn buôn người sẽ bao gồm nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc điều tra, thu thập dữ liệu, trao đổi thông tin và tiến hành các cuộc diễn tập chung.
Về lâu dài, các chính quyền khu vực cũng cần hợp tác xuyên biên giới với các đối tác bên ngoài khu vực để truy quét các mạng lưới tội phạm. Nước chủ tịch Indonesia cũng mong muốn ASEAN sớm đạt tiến triển về một Hiệp ước dẫn độ cấp khu vực, nhằm giúp các cơ quan chức năng truy tố những kẻ phạm tội nhanh hơn và ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của tội phạm trực tuyến.