Đồng ringgit Malaysia đang bị định giá thấp
Theo Tiến sĩ Mohd Afzanizam Abdul Rashid, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Muamalat Malaysia Bhd, giá trị hợp lý của đồng nội tệ này nên gần mức 3,90 RM đổi 1 USD.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Malaysia Abdul Rasheed Ghaffour vừa cho biết đồng nội tệ ringgit (RM) của nước này đang bị định giá thấp nhưng dự kiến sẽ giao dịch cao hơn nhờ triển vọng kinh tế tích cực. Ngày 20/2 ghi nhận đồng ringgit chạm mức thấp nhất trong 26 năm qua khi giao dịch ở mức 4,8 RM đổi 1 USD.
Theo Tiến sĩ Mohd Afzanizam Abdul Rashid, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Muamalat Malaysia Bhd, giá trị hợp lý của đồng nội tệ này nên gần mức 3,90 RM đổi 1 USD. Đồng ringgit đã dao động dưới 100 điểm trên cả hai chỉ số tỷ giá hối đoái hiệu quả danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hối đoái hiệu quả thực (REER).
Tiến sĩ Afzanizam lý giải: “Về mặt lý thuyết, đồng ringgit sẽ hướng tới giá trị hợp lý của nó. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường ngoại hối bị biến dạng do các yếu tố bên ngoài, khiến đồng ringgit lệch khỏi giá trị hợp lý 3,90 RM đổi 1 USD”.
Trong động thái liên quan, Ngân hàng trung ương Malaysia cho biết đang tăng cường hợp tác với các công ty đầu tư liên kết với chính phủ, các công ty, tập đoàn và nhà đầu tư liên kết với chính phủ để khuyến khích dòng vốn liên tục đổ vào thị trường ngoại hối.
Giám đốc điều hành Tan Teng Boo của Capital Dynamics Asset Management Sdn Bhd dự đoán đồng ringgit dự kiến sẽ giao dịch ở mức 4,20-4,40 RM đổi 1 USD vào cuối năm 2024. Điều này xuất phát từ khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Tiến sĩỹ Afzanizam cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của Malaysia ở mức 1,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là một trong những yếu tố có thể củng cố đồng ringgit. Ông cho rằng cân bằng tài chính cũng đóng vai trò quan trọng như một động lực cho tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, thâm hụt tài chính của Malaysia cũng đã giảm từ 5,6% GDP năm 2022 xuống còn 5% GDP năm 2023. Mức thâm hụt này có thể giảm hơn nữa sau khi Đạo luật Tài chính công và Trách nhiệm tài chính được chính phủ áp dụng.
Liên quan tới đầu tư, Tiến sĩ Afzanizam cho biết xếp hạng tín nhiệm của Malaysia vẫn cao hơn mức đầu tư. Điều này giải thích cho việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào chứng khoán nợ chính phủ của nước này. Ông chia sẻ thêm rằng tính đến tháng 1/2024, các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 33,8% tổng số chứng khoán Chính phủ Malaysia (MGS) đang lưu hành.
Tính đến thời điểm hiện tại, đồng ringgit đã mất gần 4% giá trị xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/1998. Trong khi đó, các loại tiền tệ trong khu vực như đồng won Hàn Quốc và đồng đô la Đài Loan (Trung Quốc) lần lượt giảm 0,2% và 0,3%.
Trước đó vào ngày 23/2, Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, tuyên bố sự suy yếu hiện nay của đồng ringgit không thể so sánh giống với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-ringgit-malaysia-dang-bi-dinh-gia-thap/325057.html