Đồng Rúp Nga đứng trước nguy cơ sụp đổ
Đồng rúp Nga giảm xuống mức 107 rúp đổi 1 USD, thấp nhất từ tháng 3/2022, phản ánh áp lực kinh tế từ lệnh trừng phạt và lạm phát 8,5%.
Đồng rúp Nga đã lao dốc xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự toàn diện ở Ukraine, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga.
Sau hai tháng mất giá liên tiếp, hôm thứ Ba, đồng rúp lần đầu tiên giảm xuống mức 107 rúp đổi một đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, ngay sau khi chiến sự nổ ra. Cuộc chiến này đã dẫn đến các lệnh trừng phạt do phương Tây khởi xướng, sự rút lui của nhiều công ty quốc tế khỏi Nga và bất ổn tài chính trong nước.
Đồng rúp được dự báo sẽ tiếp tục yếu hơn nữa khi bước vào mùa lễ cuối năm, do các công ty tăng cường nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
"Đồng rúp Nga đang suy yếu đáng kể do xung đột leo thang ở Ukraine", ông Grzegorz Dróżdż, nhà phân tích thị trường tại Invest.Conotoxia.com, nhận định với Newsweek hôm thứ Ba. "Tình trạng yếu kém của đồng tiền này làm suy giảm sức mua của đất nước".
Bộ Tài chính Nga chưa đưa ra bình luận nào liên quan đến vấn đề này.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực
Sự sụt giảm mạnh của đồng rúp diễn ra ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố vào ngày 21/11 các lệnh trừng phạt mới đối với hàng chục ngân hàng Nga, vốn là các kênh thanh toán quốc tế quan trọng.
Một trong số đó là Gazprombank, ngân hàng trước đây được Mỹ miễn trừ để các nước châu Âu có thể tiếp tục thanh toán nguồn cung khí đốt Nga, theo Financial Times. Việc mất đi kênh thanh toán này có thể khiến doanh thu từ khí đốt, vốn là mặt hàng xuất khẩu chịu tổn thất nặng nề nhất của Nga, tiếp tục giảm sâu.
Các lệnh trừng phạt đã khiến các doanh nghiệp Nga gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thực hiện thanh toán quốc tế, và các biện pháp mới nhất có thể làm tình hình cán cân thương mại của Nga trở nên tồi tệ hơn, khiến đồng rúp tiếp tục mất giá. Những người mua dầu và khí đốt Nga sẽ cần tìm các phương thức thanh toán thay thế, điều này có thể mất thời gian, theo Financial Times.
Tình hình này càng làm gia tăng khó khăn đối với tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom, công ty lớn nhất Nga về vốn hóa thị trường trước chiến tranh. Gazprom đã ghi nhận mức lỗ kỷ lục khi doanh thu từ thị trường nước ngoài giảm sút, một phần do lệnh trừng phạt.
Hệ quả trái chiều đối với kinh tế Nga
Ông Dróżdż nhận định, đồng rúp mất giá sẽ có lợi cho xuất khẩu trong nước, đặc biệt khi Nga là quốc gia xuất khẩu với thặng dư thương mại đáng kể. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng các gói trừng phạt đang gây ra những tác động tiêu cực, đặc biệt thể hiện qua mức lạm phát cao mà người dân Nga phải gánh chịu.
Tháng trước, lạm phát tại Nga đạt 8,5%, cao hơn gấp đôi mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đề ra. "CBR đang nỗ lực kiểm soát lạm phát và bảo vệ đồng rúp bằng cách tăng lãi suất", ông Dróżdż cho biết. "Tuy nhiên, mức lãi suất cao đối với các khoản vay bằng đồng rúp vẫn chưa đủ để thu hút lượng lớn nhà đầu tư".
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Trung ương Nga hồi tháng 10 đã nâng lãi suất cơ bản lên mức 21%, cao hơn cả mức khẩn cấp được áp dụng vào đầu cuộc chiến, nhằm kiềm chế lạm phát vốn bị thúc đẩy bởi tình trạng thiếu lao động và chi tiêu cao của chính phủ cho quân sự.
Các nhà phân tích dự báo lãi suất có thể tiếp tục tăng trong cuộc họp của Ngân hàng Trung ương vào tháng 12 tới.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-rup-nga-dung-truoc-nguy-co-sup-do-post323281.html