Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành nuôi biển

Việc đào tạo nghề nuôi biển không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng nuôi trồng mà còn đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, bảo vệ môi trường biển lâu dài.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình phát triển ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Quang cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình phát triển ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển ngành nuôi biển công nghiệp, tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao và đảm bảo sự bền vững, việc đào tạo nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị tổng kết Chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) tổ chức ngày 28/11.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 đã đặt mục tiêu đưa sản lượng thủy sản nuôi biển lên 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 1,8-2.0 tỷ USD.

Chủ trương phát triển nuôi biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.

 Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chuyển giao bộ tài liệu đào tạo Nuôi biển công nghiệp cho Cục Thủy sản và các Chi cục Thủy sản địa phương. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chuyển giao bộ tài liệu đào tạo Nuôi biển công nghiệp cho Cục Thủy sản và các Chi cục Thủy sản địa phương. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Phát triển nuôi biển không chỉ thúc đẩy kinh tế xã hội mà còn góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản cho tương lai, giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thủy sản “Minh bạch-trách nhiệm-bền vững”, có kiểm soát, được quản lý để tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu.

Nuôi biển đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của nhiều địa phương ven biển; thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi ngành hàng.

Nuôi biển Việt Nam đang chuyển từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ hiện đại, từ nuôi gần bờ sang nuôi vùng biển xa bờ; tích hợp đa giá trị, gắn với các ngành kinh tế biển khác.

Năm 2023, sản lượng nuôi biển cả nước đạt 790.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 552 triệu USD. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến sản lượng 1,45 triệu tấn và đóng góp kim ngạch xuất khẩu từ 1,8-2 tỷ USD vào năm 2030 cần sự nỗ lực của tất cả các mắt xích liên quan đến hoạt động nuôi biển, đặc biệt là bà con nông dân.

Theo ông Nhữ Văn Cẩn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những cơ sở để tạo nên bước đột phá trong phát triển nuôi biển.

 Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Trong khi đó, nguồn nhân lực phục vụ nuôi biển nước ta còn hạn chế cả về số lượng và trình độ kỹ thuật. Thực tế lao động thường xuyên trong chuỗi sản xuất nuôi biển hiện nay thường làm việc theo kinh nghiệm, được truyền nghề theo kiểu truyền thống, trình độ kỹ thuật hạn chế, chưa thể đáp ứng yêu cầu nuôi quy mô lớn, đặc biệt là nuôi ở vùng biển mở, nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do vậy, để ngành nuôi biển phát bền vững và hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ thuật phù hợp là rất quan trọng.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông tin dù sở hữu nguồn lao động dồi dào nhưng tính đến quý 1 năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 27,8%.

Cả nước hiện vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo, đặt ra thách thức lớn trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động.

Thách thức này càng trở nên rõ nét trong các ngành đang chuyển đổi từ phương pháp sản xuất thủ công truyền thống sang quy trình công nghiệp hiện đại mà ngành nuôi biển là một ví dụ điển hình.

Việc chuyển đổi từ mô hình nuôi biển truyền thống sang công nghiệp không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là chiến lược quan trọng của quốc gia.

Trong bối cảnh đó, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thông qua cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, chính là chìa khóa để thúc đẩy ngành nuôi biển Việt Nam hướng đến mục tiêu bền vững, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

 Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/ TTXVN)

Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/ TTXVN)

Từ năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên đoàn Giới chủ Na Uy, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi biển triển khai Chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam.

Sau 5 năm triển khai, chương trình đã cho ra đời Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề và Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề nuôi biển công nghiệp.

Từ một ngành nghề truyền thống gắn với sinh kế của hàng triệu bà con ven biển, nuôi biển công nghiệp đã trở thành một chiến lược quốc gia với sự chung tay của nhiều bên.

Thành công của chương trình không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng mà còn thay đổi nhận thức, mang lại động lực chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững cho hàng ngàn người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, người nuôi biển tại Kiên Giang cho biết, trước đây, người dân nuôi thủy sản quy mô nhỏ chỉ quen với cách nuôi truyền thống bằng bè gỗ, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

Nhờ chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề nuôi biển, nhiều nông dân đã học được cách vận hành lồng nuôi công nghệ cao, hiểu rõ hơn về kiểm soát dịch bệnh và tối ưu hóa quy trình nuôi. Điều này không chỉ giúp họ giảm thiểu rủi ro mà còn nâng cao năng suất.

Ông Hoàng Ngọc Bình, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Australia Việt Nam chia sẻ với định hướng mở rộng quy mô nuôi biển theo hướng công nghiệp và đưa lồng bè vùng biển hở, xa bờ, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, một trong những sự chuẩn bị cần thiết trong tương lai là chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành tốt trình độ chuyên môn cao, để có thể đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn.

Việc đào tạo nghề nuôi biển giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng nuôi trồng mà còn đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, bảo vệ môi trường biển lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-dao-tao-nguon-nhan-luc-phuc-vu-phat-trien-nganh-nuoi-bien-post996020.vnp