Động thái của Pfizer giúp cung cấp thuốc Covid-19 giá rẻ cho nước nghèo
Theo thỏa thuận cấp phép ký với Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc toàn cầu (MPP), Pfizer sẽ không nhận tiền bản quyền từ các nhà sản xuất. Động thái này được cho sẽ giúp giảm chi phí điều trị.
Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ mới công bố một thỏa thuận cung cấp thuốc Covid-19 kháng virus dạng viên với giá rẻ hơn cho các quốc gia nghèo trên thế giới.
Cụ thể, Pfizer sẽ cho phép các nhà sản xuất cung cấp thuốc viên Paxlovid cho 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chiếm khoảng 53% dân số thế giới, công ty cho biết trong một tuyên bố hôm 16/11.
Theo thỏa thuận cấp phép ký với Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc toàn cầu (MPP), Pfizer sẽ không nhận tiền bản quyền từ các nhà sản xuất. Động thái này giúp giảm chi phí điều trị.
MPP có trụ sở tại Geneva là một tổ chức quốc tế do Liên hợp quốc hậu thuẫn hoạt động để tạo điều kiện phát triển thuốc chữa bệnh cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Dữ liệu tạm thời từ các thử nghiệm đang diễn ra cho thấy thuốc Paxlovid giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong liên quan đến Covid-19 so với giả dược, trong vòng 3 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng, Pfizer cho biết.
Giám đốc chính sách của MPP, Esteban Burrone chia sẻ với AFP, nếu được chấp thuận, loại thuốc viên này có thể được đưa ra thị trường trong “vài tháng nữa”.
Pfizer cũng cho biết hôm 16/11 rằng họ đang xin cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ cho thuốc viên điều trị Covid-19. Pfizer sẽ từ bỏ tiền bản quyền đối với doanh số bán hàng ở tất cả các quốc gia có trong thỏa thuận một khi Covid-19 vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm của WHO.
Paxlovid là một liệu pháp kháng virus được nghiên cứu nhằm ngăn chặn hoạt động của Sars-CoV-2-3CL protease - một loại enzyme mà virus cần để tái tạo.
“Giấy phép này rất quan trọng. Nếu được cấp phép hoặc phê duyệt, loại thuốc uống này đặc biệt phù hợp với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống người bệnh, góp phần vào các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại đại dịch hiện nay,” Charles Gore, Giám đốc điều hành của MPP, cho biết trong một tuyên bố hôm 16/11.
Thông báo này được đưa ra sau khi MPP đã ký một thỏa thuận cấp phép tự nguyện tương tự với các đối thủ của Pfizer tại Mỹ là Merck & Co vào tháng trước cho loại thuốc uống molnupiravir.