Động thái mới của Mỹ trên đảo Guam khiến khu vực Tây Thái Bình Dương nóng lên
Không phận đảo Guam sẽ trở thành nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới, điều này cho thấy Mỹ ngày càng lo sợ sự đe dọa từ tên lửa của Trung Quốc và Triều Tiên.
Quân đội Mỹ đang lên kế hoạch mở rộng khả năng phòng không trên đảo Guam, nơi có vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương và là nơi bố trí các căn cứ hải quân, không quân quan trọng bậc nhất của Mỹ.
Hòn đảo là trung tâm chỉ huy điều phối các hoạt động tác chiến Tây Thái Bình Dương của quân đội Mỹ. Mới đây lực lượng thủy quân lục chiến cũng đã được tăng cường tới Guam, điều này cho thấy Washington đang có những hành động để đối phó trước những mối đe dọa ngày càng tăng trong khu vực.
Căn cứ Hải quân Guam và Căn cứ Không quân Andersen, từ lâu đã được xác định là những mục tiêu hàng đầu cho các cuộc tấn công của Trung Quốc và Triều Tiên nếu xung đột nổ ra.
Hiện tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc và Hwasong-12 của Triều Tiên đủ khả năng tấn công Guam. Bên cạnh đó Trung Quốc và Triều Tiên còn có những loại tên lửa mới với tầm bắn xa hơn như tên lửa hành trình phóng từ trên không và vũ khí siêu thanh, càng làm tăng mối nguy hiểm cho căn cứ của Mỹ.
Việc di dời căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ từ đảo Okinawa của Nhật Bản đến Guam càng làm tăng thêm tầm quan trọng của hòn đảo. Các chuyên gia quân sự cho rằng, Guam có khoảng cách an toàn hơn so với Okinawa, vì hòn đảo của Nhật rất gần Trung Quốc và Triều Tiên, khi bị tấn công sẽ có rất ít thời gian phản ứng.
Cơ sở hạ tầng của Guam cũng được thiết kế để các máy bay ném bom chiến lược hoạt động như máy bay tàng hình có khả năng mang vũ khí hạt nhân B-21. Loại máy bay này dự kiến sẽ được triển khai từ đầu những năm 2030, nhằm thay thế cho máy bay ném bom B-2 có tầm bay ngắn hơn.
Từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barak Obama, Mỹ đã tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo nhằm đối phó với những tiến bộ trong việc phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tuy nhiên đảo Guam vẫn rất dễ bị tổn thương bởi những mối đe dọa như vậy.
Quân đội Mỹ dự kiến bổ sung tới 20 địa điểm phòng không mới trên Guam, đây được xem là nỗ lực cải thiện khả năng phòng thủ và bảo vệ các cơ sở quan trọng trên hòn đảo. Những địa điểm này dự kiến sẽ được xây dựng các tổ hợp tên lửa đất đối không, radar và các khí tài khác theo Chương trình Không quân tích hợp tăng cường và hệ thống phòng thủ tên lửa (EIAMD).
Các biện pháp hạn chế không phận cũng dự kiến sẽ được đưa ra. Liên quan đến những kế hoạch dự kiến được xây dựng, một báo cáo quân sự của Mỹ tiết lộ rằng, "Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ có thể bảo vệ Guam 360 độ xung quanh toàn bộ hòn đảo. Khả năng bảo vệ 360 độ được thiết kế bằng cách bố trí các bộ phận của hệ thống phòng thủ tại nhiều địa điểm xung quanh hòn đảo”.
Việc lựa chọn địa điểm đang được tiến hành và các địa điểm bổ sung có thể được xem xét. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn những loại tên lửa phòng không nào sẽ được lựa chọn để triển khai.
Song song với nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa trên đảo Guam, Quân đội Mỹ cũng đã tìm cách đa dạng hóa các căn cứ để triển khai lực lượng trong khu vực. Đáng chú ý nhất là việc mở rộng các căn cứ trên đảo Wake (cách Guam khoảng 1.000km về phía Đông) và khu vực phía Bắc Australia, tất cả những vị trí này đều đáp ứng được các điều kiện xây dựng căn cứ cho máy bay ném bom hạt nhân B-21 hoạt động.
Khi khu vực Đông Á ngày càng nổi lên là trung tâm công nghệ cao và kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa với sức mạnh quân sự của các quốc gia trong khu vực ngày càng tăng lên và điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến những lợi ích của Mỹ và các nước phương Tây.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đã phát triển loại máy bay ném bom chiến lược được xem là đối thủ của B-21, đó là H-20. Chiếc máy bay này dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay đầu tiên trong vòng vài tháng tới và có khả năng sẽ được đưa vào biên chế trong thời gian gần.