Động thái muộn màng của quan chức Hawaii hậu thảm họa cháy rừng
Người đứng đầu cơ quan quản lý khẩn cấp hạt Maui (Mỹ) Herman Andaya đã tuyên bố từ chức sau khi đối diện luồng chỉ trích từ người dân và truyền thông về cách đối phó với thảm họa cháy rừng khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Thông cáo do người đứng đầu hạt Maui (bang Hawaii) Richard Bissen đưa ra hôm 17/8 (giờ địa phương) cho biết: “Với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt, chúng tôi sẽ bổ nhiệm nhân sự khác vào vị trí quan trọng này càng nhanh càng tốt".
Trước đó, ông Bissen khẳng định đã tiếp nhận đơn từ chức của ông Andaya với lý do sức khỏe. Quyết định từ chức có hiệu lực ngay lập tức.
Động thái này xuất hiện chỉ một ngày sau khi ông Andaya lần đầu lên tiếng trước truyền thông kể từ khi thảm họa cháy rừng xảy ra hơn một tuần trước khiến 2.200 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại, ước tính thiệt hại khoảng 5,5 tỷ USD. Vụ cháy tồi tệ nhất thế kỷ cũng khiến ít nhất 111 người thiệt mạng và hàng trăm người vẫn đang mất tích.
Một số cư dân Maui cho biết, nhiều nạn nhân có thể được cứu sống cứu nếu còi báo động khẩn cấp vang lên đúng lúc, nhưng cơ quan quản lý khẩn cấp hạt Maui do ông Andaya đứng đầu đã chọn không sử dụng chúng, nói rằng chúng sẽ không hiệu quả và gây nhầm lẫn.
“Người dân được hướng dẫn tìm kiếm vùng đất cao hơn trong trường hợp còi báo động vang lên”, ông Andaya nói trong cuộc họp báo hôm 16/8, song nói thêm rằng "nếu chúng tôi bật còi báo động trong đêm, chúng tôi sợ rằng mọi người sẽ chạy lên sườn núi và nếu đúng như vậy thì họ đã lao vào lửa rồi”.
Trong một diễn biến diễn ra cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chính phủ liên bang đã huy động hàng trăm nhân viên cứu hộ và liên tục cung cấp viện trợ với hàng nghìn bữa ăn và các nhu yếu phẩm bao gồm cả chăn gối đến thị trấn bị tàn phá bởi giặc lửa này.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Hawaii Anne Lopez cho biết, sẽ chỉ định một bên thứ ba để điều tra, xem xét cách thức lực lượng chức năng địa phương ứng phó với thảm họa được coi là tồi tệ nhất xảy ra tại Hawaii kể từ năm 1960.