Đồng Thanh đón xuân

Khi những nụ hoa mơ, hoa mận khoe sắc thắm cũng là lúc người dân đồng bào dân tộc Cao Lan, thôn Đồng Thanh, xã Đồng Quý (Sơn Dương) nhộn nhịp chuẩn bị chào đón năm mới. Trên những con đường, ngõ xóm, người dân đang bận rộn hoàn tất những việc cuối cùng của năm cũ để bước vào năm mới với niềm tin hy vọng, mong những điều tốt lành đến cho từng nhà.

Những câu hát Sình ca Cao Lan luôn được
người dân Đồng Thanh, xã Đồng Quý (Sơn Dương)
thể hiện trong ngày xuân.

Những ngày này, nhà nào trong thôn cũng bận rộn chuẩn bị vui Tết, đón xuân. Bà con tham gia lao động vệ sinh đường làng, ngõ xóm; sửa sang lại nhà cửa; Ông Đinh Đức Lập, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phấn khởi nói, nhà văn hóa thôn vừa hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng trị giá 430 triệu đồng. Trong đó nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 135 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp gần 350 ngày công lao động. Đây là thôn duy nhất của xã sáp nhập từ 3 thôn: Việt Lâm, Nhâm Lang và Thanh Lương thành thôn Đồng Thanh như hiện nay. Thôn có 85% số hộ là đồng bào dân tộc Cao Lan, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên.

Các công trình như: Điện thắp sáng, đường giao thông, trường học, nước sạch... được sửa chữa, đầu tư mới. Các chính sách an sinh xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai đã làm thay đổi cách thức canh tác, mang lại đời sống khấm khá hơn cho người dân. Hiện thôn có tổng số 68 con bò, 5.120 con gia cầm và 40 con dê. Trong thôn có nhiều hộ phát triển kinh tế giỏi, tiêu biểu như: Gia đình ông Nguyễn Văn Lễ, với mô hình phát triển chăn nuôi, làm máy xay xát, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng; ông Đinh Đức Tập phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng…

Tết đến, mỗi hộ dân trong thôn không thể thiếu các món bánh: Bánh chưng, bánh chim gâu... Đặc biệt, bánh chim gâu độc đáo, thể hiện văn hóa ẩm thực tinh tế của đồng bào nơi đây. Ông Dương Ngọc Định, người có uy tín của thôn chia sẻ, người Cao Lan ngày 30 Tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm nên từ sáng sớm, việc vệ sinh nhà cửa và đồ dùng trong nhà được mọi thành viên trong gia đình thực hiện rất khẩn trương. Sau đó, dán giấy đỏ lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo… Bởi theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, niềm vui trong cuộc sống, một mùa màng bội thu. Đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh, xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại. Đây cũng là dịp để con cháu sum vầy, tụ họp cùng nhau, chia sẻ những thành quả đạt được và rút ra những bài học cho năm mới.

Tết này, bà con nơi đây vui hơn khi 3 thôn sáp nhập trở thành 1 thôn với tên gọi chung Đồng Thanh, thể hiện tinh thần đoàn kết cùng nhau xây dựng phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Trong năm qua, thôn không có người mắc tệ nạn xã hội. Hiện thôn có 5 đội bóng chuyền hơi và câu lạc bộ hát Sình ca Cao Lan, Câu lạc bộ dưỡng sinh. Những phong tục truyền thống trong các dịp lễ, Tết mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, năm nay, bà con đón Tết trong niềm vui mừng, phấn khởi hơn so với những năm trước, trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 77 hộ, xuống còn 40 hộ nghèo; thôn có trên 81% hộ đạt gia đình văn hóa, trong đó trên 50% hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liền.

Một mùa xuân nữa lại về, trong câu hát Sình ca say đắm lòng người, mỗi người dân Đồng Thanh đang nguyện đồng lòng đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Minh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/dong-thanh-don-xuan-127271.html