Đồng Tháp: Đàn sếu đầu đỏ bất ngờ quay trở lại Vườn quốc gia Tràm Chim

Việc đàn sếu tự nhiên quay trở lại theo thời gian biểu trước đây là chỉ báo cho thấy môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia đã dần được phục hồi.

Ngày 26/12, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nhân viên bảo vệ Trạm Phú Hiệp thuộc vườn quốc gia này đã ghi nhận có 7 cá thể sếu đầu đỏ tại vườn.

7 cá thể sếu đầu đỏ được ghi nhận bay về vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp).

7 cá thể sếu đầu đỏ được ghi nhận bay về vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp).

Cụ thể, vào lúc 11h10 cùng ngày, nhân viên bảo vệ ghi nhận 7 cá thể sếu bay ngang trạm về hướng khu A5 của vườn quốc gia Tràm Chim. Việc phát hiện thông qua tiếng kêu của sếu và nhận dạng hình ảnh từ xa.

Hiện tại, các bãi năng tại các phân khu A1, A4 và A5 đã dần phục hồi rất tốt, năng kim đã tạo củ, nguồn thức ăn cũng đa dạng.

Vườn đang chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tiếp tục công tác quản lý và điều tiết mực nước cho phù hợp các phân khu chức năng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sếu đầu đỏ về kiếm ăn và trú ngụ.

Cán bộ chuyên môn theo dõi 24/24h tại bãi ăn bên trong vườn và các vùng phụ cận (nơi sếu từng kiếm ăn) để giám sát và có các giải pháp kiến nghị quản lý cho phù hợp.

Đồng thời, phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra nhằm ngăn chặn người dân vào đánh bắt trái phép, khai thác tài nguyên thiên nhiên bên trong cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.

Theo các chuyên gia, cuối tháng 12 là thời điểm đàn sếu bắt đầu rời nơi sinh sản phía bắc Campuchia để về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều năm trước, sếu đầu đỏ cũng bắt đầu về vườn quốc gia Tràm Chim vào thời điểm này. Tuy nhiên, trong nhiều năm, sếu dần về Tràm Chim rất muộn, có năm không cá thể nào về.

Với đà hồi phục của hệ sinh thái tự nhiên, đàn sếu hoang dã sẽ về lại Tràm Chim ngày càng đông đảo hơn.

Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500ha, là khu đất ngập nước, được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam.
Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ - nằm trong Sách đỏ. Đàn sếu thường từ Campuchia bay về vườn kiếm ăn, trú ngụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau rồi mới rời đi.
Sếu đầu đỏ với dáng vẻ kiêu hãnh, chiều cao đến 1,8m và có màu đỏ đặc trưng trên đầu. Đây là loài chim được coi là biểu tượng của hòa bình, may mắn và sự phát triển bền vững.
Sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất biết bay, hiện được xếp vào danh mục các loài dễ bị tổn thương.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dong-thap-dan-seu-dau-do-bat-ngo-quay-tro-lai-vuon-quoc-gia-tram-chim-192241226161858822.htm