Đồng Tháp đề xuất làm 2 dự án hơn chục ngàn tỉ đồng kết nối liên vùng
Đồng Tháp đề xuất Ngân hàng ADB hỗ trợ vốn thực hiện Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền và tuyến kết nối liên vùng giữa tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang và cầu Sa Đéc qua sông Tiền.
Ngày 26-10, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp và làm việc với đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và UBND TP Cần Thơ về Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (DPO) tỉnh.
Tại buổi làm việc, UBND Đồng Tháp có đã đề xuất thực hiện dự án hợp phần I: “Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền và tuyến kết nối liên vùng giữa tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang (đoạn từ cầu Ô Môn đến thành phố Sa Đéc)” và hợp phần II: “Dự án cầu Sa Đéc qua sông Tiền”.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, giữa 3 tỉnh, thành phố đã có sự thống nhất cơ bản về hướng tuyến của dự án hợp phần I. Đây là dự án mang tính kết nối vùng, thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực. Do đó Đồng Tháp mong muốn ADB thống nhất đề xuất của địa phương về hỗ trợ vốn vay.
Chủ tịch Đồng Tháp nhấn mạnh tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, và các cơ quan có liên quan để phát huy hiệu quả dự án, cân đối nguồn vốn và khả năng hoàn trả vốn vay khi thực hiện dự án.
Sau khi nghe ý kiến đề xuất, đại diện ADB đề nghị tỉnh có báo cáo đánh giá tác động môi trường, những tác động liên quan của dự án, việc lựa chọn phương án tuyến cần có tiêu chí rõ ràng… Sau khi dự án được Chính phủ phê duyệt, phía ADB sẽ chính thức thẩm định.
Hợp phần I dự án “Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền và tuyến kết nối liên vùng giữa tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang (đoạn từ cầu Ô Môn đến TP Sa Đéc) có chiều dài 45,59km.
Tổng mức đầu tư dự kiến là gần 4.600 tỉ đồng (tương đương hơn 196 triệu USD).
Trong đó Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền gồm hai nhánh:
Nhánh 1, từ đường Vành đai ĐT848 hiện hữu TP Sa Đéc đến đường ĐT849 để kết nối với đường cao tốc N2B tại nút giao Tân Mỹ huyện Lấp Vò, chiều dài 11,21km. Nhánh 2 đoạn từ nút giao với nhánh một tại trung tâm xã Long Hưng A đi QL80 có chiều dài 6,48km
Tuyến kết nối liên vùng giữa tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang (đoạn từ cầu Ô Môn đến TP Sa Đéc) có chiều dài tuyến 18,5km. Điểm đầu tại vị trí cầu Ô Môn giao với QL54; điểm cuối giao với nhánh 1 của tuyến hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam Sông Tiền (Km1+700). Tại vị trí quy hoạch đường Vành đai 2 (TP Sa Đéc).
Thời gian chuẩn bị thực hiện năm 2022-2023 giai đoạn thực hiện là 2024-2029 và dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2030.
Đề xuất xây thêm một cầu dây văng lớn qua sông Tiền
Còn hợp phần 2 “Dự án cầu Sa Đéc qua sông Tiền” có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 8.000 tỉ đồng tương đương 338 triệu USD. Điểm đầu giao với nhánh 1 của dự án Hạ tầng giao thông khu vực Nam Sông Tiền (khoảng Km1+ 700); điểm cuối giao với cao tốc An Hữu - Cao Lãnh tại nút giao ĐT850.
Chiều dài tuyến 13,5km trong đó phần cầu Sa Đéc là 2,5km, còn lại là đường dẫn 2 đầu cầu.
Phần cầu Sa Đéc có quy mô 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế là 80km/h, tải trọng HL93. Tĩnh không thông thuyền cấp đặc biệt vượt sông Tiền được tính cho tàu 10.000 tấn. Về thiết kế, kiến nghị phương án cầu dây văng dầm thép liên hợp.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp việc đầu tư cầu Sa Đéc nối thẳng giữa 2 cầu lớn bắt qua sông Tiền và sông Hậu phù hợp với đặc điểm tốc độ cao, rút ngắn thời gian di chuyển và có thể nâng lên thành cao tốc trong tương lai, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng; có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng, tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông của các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng cao của khu vực góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của các địa phương và cả khu vực Tây Nam Bộ.
Dự án còn kết nối các tuyến thuộc dự án hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp, giúp khai thác tối đa hiệu quả đầu tư kết nối với cao tốc An Hữu - Cao Lãnh góp phần hoàn thiện đường kết nối liên vùng Giồng Riềng (Kiên Giang – Ô Môn (Cần Thơ) - Sa Đéc.
Dự kiến thời gian thực hiện là 2026 và sẽ đưa vào khai thác sử dụng năm 2031.