Đồng Tháp gấp rút giải bài toán thiếu cát cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang thiếu khoảng 0,779 triệu m3 cát, Đồng Tháp xử lý thế nào?
Đảm bảo nguồn cát đắp nền
Theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại Thông báo số 199 ngày 12/4/2023, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, tỉnh Đồng Tháp được áp dụng cơ chế đặc thù trong cung ứng vật liệu theo các nghị quyết của Quốc hội.
Đồng Tháp đã dự kiến có ba mỏ cát phục vụ cung ứng cát cho dự án, gồm: Mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò); mỏ cát trên nhánh sông Tiền thuộc xã Long Khánh A, xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự) và phường An Lạc (thành phố Hồng Ngự); mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã An Hiệp và xã An Nhơn (huyện Châu Thành).
Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT, Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng (QLDA&ĐTXD) công trình giao thông tỉnh và các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục để đưa vào khai thác cung ứng cho dự án.
Nhưng trữ lượng ba mỏ cát này ước tính chỉ khoảng 2,831 triệu m3. Trong khi theo Công văn số 2930 ngày 27/3/2023 của Bộ GTVT và Công văn số 2369 ngày 07/4/2023 của Bộ TN&MT, ước nhu cầu cát san lấp của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đến 3,61 triệu m3 cát.
Như vậy, đối với phần thiếu hụt còn lại của cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là 0,779 triệu m3 cát, tỉnh Đồng Tháp sẽ điều phối hợp lý nguồn cung ứng từ các mỏ cát đang hoạt động trên địa bàn, đảm bảo không để thiếu cát làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Một cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT Đồng Tháp) thông tin: “Để đáp ứng nhu cầu cát trong tháng 8 và tháng 9 của cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, trên cơ sở rà soát đề xuất của Sở GTVT, Ban QLDA&ĐTXD công trình giao thông và Tổ điều phối cát của tỉnh… đã báo cáo lãnh đạo xem xét.
Theo đó, thống nhất chủ trương tạm điều chuyển khoảng 51.011m3 cát từ mỏ cát thuộc khu 7, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò và xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh để ưu tiên cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thi công san lấp một số hạng mục công trình đảm bảo tiến độ đề ra”.
Đảm bảo tiến độ thực hiện
Theo ông Huỳnh Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp: “Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (dự án thành phần 1) chính thức khởi công cuối tháng 6 vừa qua có tổng chiều dài hơn 27km, với 533 hộ dân bị ảnh hưởng.
“
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Phạm Thiện Nghĩa cho biết, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều dự án, công trình trọng điểm đi qua và đã phát huy hiệu quả cao.
Nhờ đó, đưa Đồng Tháp từ một địa phương “khuất nẻo” trở thành tỉnh có lợi thế, kết nối ba trung tâm lớn: TP.HCM, Cần Thơ và Phnôm Pênh (Campuchia).
”
Tính đến đầu tháng 8, giá trị giải ngân vốn năm 2023 đạt 688 tỷ đồng và diện tích bàn giao mặt bằng gần 97/101ha (tổng diện tích thu hồi thực hiện dự án thành phần 1), đạt khoảng 96%”.
Theo ông, dự án có tổng cộng 14 gói thầu (11 gói thầu tư vấn; 1 gói thầu bảo hiểm; 1 gói thầu rà phá bom mìn và 1 gói thầu xây lắp). Trong đó, gói thầu số 14 có giá trị hợp đồng trên 2.800 tỷ đồng đã hoàn tất thiết kế bản vẽ thi công.
Đối với gói thầu số 5, giá hợp đồng hơn 15 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn giám sát thi công xây dựng được ký hợp đồng ngày 21/6/2023.
Còn gói thầu số 10, giá hợp đồng 0,8 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn quan trắc và giám sát môi trường trong giai đoạn thi công được ký hợp đồng ngày 16/6/2023.
“Nhà thầu của các gói thầu đảm bảo thời gian thực hiện theo hợp đồng 840 ngày”, ông Bình cho biết thêm.
Niềm vui với dự án cao tốc
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo lực đẩy mới cho kinh tế vùng đất “Sen Hồng” - Đồng Tháp bứt phá trong những giai đoạn tiếp theo.
Đồng Tháp được biết đến là tỉnh có nhiều thế mạnh về nông nghiệp với thế mạnh là thủy sản, lúa gạo và cây ăn trái.
Phần lớn sản lượng nông sản của Đồng Tháp sản xuất hằng năm được phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa.
Do đó, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ là nền tảng quan trọng để “dòng chảy hàng hóa” của Đồng Tháp đến với các tỉnh cũng như thị trường xuất khẩu thuận lợi và thông suốt hơn.
“
“Cao tốc không chỉ có ý nghĩa giúp việc đi lại thuận lợi hơn, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp kinh tế địa phương phát triển.
Tôi tin rằng, sau khi công trình hoàn thành sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp các mặt hàng nông sản của nông dân Đồng Tháp và các tỉnh sẽ đi xa, tăng sức cạnh tranh hơn”, ông Trần Ngọc Vân (ngụ xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nói.
”
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản, khâu vận chuyển hàng hóa từ huyện Cao Lãnh đi các tỉnh là công việc hằng ngày tại Công ty TNHH Nông sản và Du lịch T.P (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Ông Nguyễn Hữu Minh, giám đốc công ty bày tỏ: “Tôi rất phấn khởi và mong chờ ngày cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được hoàn thành sẽ giúp hàng hóa tăng khả năng cạnh tranh và các nhà vườn giảm áp lực trong thời điểm chính vụ khi hàng hóa được thông thương hơn”.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, được sự chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, Đồng Tháp kỳ vọng sẽ góp phần giúp tỉnh trở thành điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
“Để dự án hoạt động đúng tiến độ, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công cùng toàn thể nhân dân trong vùng dự án”, ông Nghĩa cho biết thêm.
“Khi cao tốc chính thức đưa vào hoạt động sẽ góp phần giảm được nhiều thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.
Cụ thể, với tốc độ cho phép di chuyển trên cao tốc như dự kiến là 80km/h sẽ giúp cho các tài xế của chúng tôi rút ngắn trên 30 phút so với việc di chuyển trên tuyến quốc lộ 30 như hiện nay”, một tài xế phấn khởi nói.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 27km, đi qua Đồng Tháp và Tiền Giang, tổng kinh phí hơn 5.880 tỷ đồng, khởi công sáng 25/6/2023.
Trong chiều dài toàn tuyến, đoạn qua địa phận Đồng Tháp hơn 16km, còn lại thuộc Tiền Giang. Điểm đầu giao cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), điểm cuối nối cao tốc Trung ương - Mỹ Thuận, huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Cao tốc trục ngang thứ hai của miền Tây rộng gần 25m, bốn làn xe, vận tốc 100km/h; trong đó giai đoạn một làm rộng 17m, bốn làn xe, vận tốc 80km/h, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Khi hoàn thành, cao tốc đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang bờ bắc sông Tiền, góp phần giảm tải cho quốc lộ 30 hiện hữu.
Công trình cũng kết nối cao tốc Bắc - Nam phía đông theo trục dọc, gồm: TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau. Ở phía tây, tuyến nối cao tốc Bắc - Nam đang hình thành gồm: Đường Hồ Chí Minh - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.