Đồng Tháp: Khởi động Đề án phát triển bền vững 01 triệu hec-ta lúa

Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức lễ khởi động Đề án 'Phát triển bền vững 01 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030'.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai Đề án tại 07 huyện, thành phố trồng lúa của tỉnh. Đề án sẽ được khởi động trong vụ Thu Đông 2024, tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, với diện tích 50 ha/ 24 hộ nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, bắt đầu từ vụ Thu Đông 2024.

Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí vật tư như: Giống, phân bón, Trichoderma phân hủy rơm rạ, ứng dụng cơ hóa (máy sạ cụm/sạ hàng khí động học), drone phun thuốc v.v., do một số đơn vị hỗ trợ như: Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty Sài Gòn Kim Hồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư Sang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam tài trợ.

Trong năm 2024, Đồng Tháp đăng ký tham gia Đề án 01 triệu hec-ta lúa chất lượng cao với 28.000 ha, năm 2025 gần 70.000 ha và đến năm 2030 tăng lên gần 162.000 ha.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tại lễ khởi động còn diễn ra ký kết thỏa thuận nguyên tắc hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ giữa Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi và các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; đồng thời, thực hiện nghi thức xuống giống lúa bằng cơ giới hóa.

Chia sẻ tại buổi Lễ khởi động, ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc khởi động Đề án nhằm để hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị. Từ đó, giúp cho địa phương phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trước đây, lượng lúa giống gieo bình quân của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, rơi vào khoảng 100 - 150 kg/ha. Tham gia cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải với việc áp dụng cơ giới hóa sạ hàng giúp giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 60 kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm đổ ngã và thất thoát sau thu hoạch.

Đề án 1 triệu ha lúa được Việt Nam triển khai là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp đầu tiên trên thế giới nên được nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đã tham gia, đồng hành cùng Đề án 1 triệu hecta lúa như: Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế,...

Từ thí điểm thành công, mô hình này tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa "Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Theo thống kê, năm 2023 diện tích gieo trồng lúa của Đồng Tháp đạt hơn 494.400ha, sản lượng hơn 3,26 triệu tấn.

Dự kiến lượng gạo xuất khẩu của tỉnh năm 2023 đạt 584.142 tấn, tăng 41,37% so với năm 2022; kim ngạch đạt 336,26 triệu USD, tăng 66,66% so với năm 2022.

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/dong-thap-khoi-dong-de-an-phat-trien-ben-vung-01-trieu-hec-ta-lua-89069.html