Đồng Tháp: Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 3/5, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp thường kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024.
Nổi bật trong tháng 4 là chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,3% so với tháng trước, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận sự tăng trưởng của 8 sản phẩm chủ lực. Trong đó, có thủy sản chế biến, gạo xay xát và lau bóng.
Về hoạt động thương mại và dịch vụ, vẫn duy trì tăng trưởng, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; thương mại điện tử tiếp tục phát triển.
Sức mua hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 4 ước đạt hơn 11.950 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước; lũy kế 04 tháng đầu năm ước đạt 45.757 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ, đạt 31,5% so với kế hoạch.
Về hoạt động ngân hàng tiếp tục được duy trì ổn định, bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Huy động vốn đến ngày 30/4 đạt 68.055 tỷ đồng; dư nợ đạt 109.482 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 868 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,80%. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ được kiểm soát dưới 2%.
Về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra theo kế hoạch; hơn 97% diện tích lúa Đông Xuân được thu hoạch, năng suất bình quân đạt 73,1 tạ/ha; vụ Hè Thu 2024 xuống giống 118.707 ha, đạt 63,6% so với kế hoạch, lúa chủ yếu đang giai đoạn mạ - trổ chín.
Tỉnh tiếp tục phát triển vùng trồng cây ăn trái chủ lực, với diện tích 43.822 ha; trong tháng, ngành nông nghiệp đã cấp mã số cho 8 vùng trồng, với diện tích 1.768 ha.
Các chỉ tiêu ngành du lịch đạt kết quả tích cực, nhiều sản phẩm dịch vụ mới ra mắt. Trong tháng 4, toàn tỉnh thu hút hơn 600.000 lượt khách; lũy kế 4 tháng đầu năm thu hút 1,75 triệu lượt khách, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch ước thực hiện tháng 4 là 300 tỷ đồng.
Công tác giảng dạy và học tập năm học 2023 - 2024 được tiến hành theo kế hoạch. 4 tháng đầu năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 15.470 lao động. Trong đó, 708 lao động đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số phát triển liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương như: Giá bán một số loại nông sản, thủy sản thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi; sản xuất công nghiệp còn chậm phục hồi; một số công trình đầu tư công triển khai chậm; tai nạn cháy và tai nạn giao thông xảy ra tăng cao... được lãnh đạo UBND tỉnh lưu ý và đề nghị các sở, ngành tỉnh có giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư tư nhân, tiếp và làm việc với nhiều đoàn đến thăm, làm việc và tìm hiểu đầu tư. Tính đến ngày 20/4, toàn tỉnh thu hút được 5 dự án (đạt 20% kế hoạch), với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4.699 tỷ đồng.
Tại buổi họp thường kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024.
Chủ tịch nhấn mạnh, tháng 5 có ý nghĩa rất quan trọng trong kết quả tăng trưởng chung của tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, Chủ tịch chỉ đạo các sở, ngành tỉnh tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại báo cáo tháng 4 của UBND tỉnh.
Đặc biệt, lưu ý thêm vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn và đề nghị ngành nông nghiệp quan tâm, chủ động ứng phó. Đối với dự án giải ngân vốn thấp, các chủ đầu tư phải kiểm tra, rà soát; củng cố hệ thống bán lẻ, đẩy mạnh các dịch vụ: vận tải, du lịch, ngân hàng; huy động các nguồn lực phát triển kinh tế v.v..
Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu ngành y tế có giải pháp về tình hình phòng, chống dịch bệnh cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lĩnh vực y tế; tiếp tục chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân...