Đồng Tháp: Nuôi thả 100 cá thể sếu đầu đỏ tại vườn quốc gia Tràm Chim
Nhắc đến Đồng Tháp, không thể không nhắc tới hình ảnh những đàn sếu đầu đỏ bay lượn, hót vang trên vùng đất ngập nước Tràm Chim. Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032 là một trong những nỗ lực của tỉnh Đồng Tháp để phục hồi và phát triển loài động vật có tên trong Sách đỏ, một trong những biểu tượng của địa phương này. Mục tiêu đề án là nuôi thả 100 con sếu đầu đỏ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm tại vườn quốc gia Tràm Chim.
Cụ thể, giai đoạn 2022 – 2028, Đồng Tháp tiếp nhận khoảng 30 cá thể Sếu đầu đỏ 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng được phục hồi phù hợp môi trường sống của Sếu đầu đỏ. Khoảng 200ha lúa vùng lân cận của người dân địa phương sẽ chuyển sang mô hình sản xuất sinh thái, hữu cơ. Đến giai đoạn 2029 – 2032, tỉnh tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể sếu từ 6 tháng tuổi, dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu. Đến nay, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, tiếp nhận cũng như kiểm dịch đã sẵn sàng để đón sếu đầu đỏ về đây.
Cùng với động lực từ đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp của Chính phủ và là địa phương tiên phong trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, tỉnh Đồng Tháp và các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành đang không ngừng nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, không chỉ cho Đồng Tháp mà còn là cho cả hệ sinh thái của vùng Đông Nam Á.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!