Đồng thuận làm nên thành công
Công tác sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tinh thần Kết luận số 137-KL/TW ngày 28-3-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang được khẩn trương tiến hành và đã gần cán đích.
Đây là cuộc cách mạng, tạo sự thay đổi lớn nhằm nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ nhân dân.
Để tạo sự thuận lợi, nhất quán trong triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, việc đặt tên đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa và đây là nguyên tắc số 1 để lựa chọn, quyết định. Việc nghiên cứu đặt tên xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin cũng được khuyến cáo nhưng chỉ là nguyên tắc đứng thứ 5.
Với Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, trầm tích lịch sử, văn hóa đậm đặc, việc đặt tên các đơn vị hành chính sau sắp xếp càng được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra xin ý kiến nhân dân. Và điều đáng mừng nhất là phương án sắp xếp và tên gọi mới đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao. Cụ thể, 97,36% ý kiến cử tri hộ gia đình nhất trí với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và 96,28% ý kiến cử tri hộ gia đình đồng ý với tên gọi dự kiến mới, trong đó có 38 xã đạt tỉ lệ 100%. Những đơn vị có tỉ lệ cử tri hộ gia đình đồng ý thấp nhất với tên gọi là Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Trì cũng đạt tỉ lệ từ 82% - 93%. Điều đó cho thấy, rõ ràng các phương án đã được các địa phương xây dựng, tính toán kỹ lưỡng, bài bản, có chiều sâu văn hóa - lịch sử và đặc biệt là hợp với lòng dân. Những cái tên quen thuộc như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Sơn Tây, Ba Vì, Ngọc Hà, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Kim Liên, Nghĩa Đô, Yên Hòa, Tây Hồ, Phú Thượng, Yên Nghĩa, Vân Đình, Cổ Đô... vẫn còn đó. Những cái tên thân thuộc, gắn bó với lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội như phường Hồng Hà, xã Chương Dương cũng được dư luận đón nhận hồ hởi, phấn khởi. Tại huyện Đông Anh, sau khi sắp xếp chỉ còn 5 xã, trong đó 1 xã mang tên Đông Anh, 4 xã còn lại mang những cái tên hoàn toàn mới là Thư Lâm, Phúc Thịnh, Thiên Lộc, Vĩnh Thanh, thế nhưng cũng nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao của người dân. Sở dĩ, người dân ở đây đồng thuận cao bởi 4 cái tên này đều đã xuất hiện trong lịch sử và mang ý nghĩa tốt đẹp, giàu văn hóa truyền thống. Toàn thành phố chỉ có 2 tên xã phải thay đổi sau khi lắng nghe ý kiến nhân dân so với dự kiến ban đầu là Liên Minh (tên dự kiến ban đầu là Thọ Lão - Đan Phượng) và Bất Bạt (tên dự kiến ban đầu là Cẩm Đà - Ba Vì).
Phải khẳng định rằng đó là một thành công. Thành công nhờ sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng, tinh tế, hợp lòng người trong xây dựng, đề xuất phương án tên gọi vừa có tính phổ quát, vừa có chiều sâu, khu biệt nhằm phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống mỗi địa phương, qua đó khích lệ tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng thuận cao của nhân dân. Và, sự đoàn kết, đồng thuận cũng chính là mục tiêu hướng tới của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm tạo thế và lực bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-thuan-lam-nen-thanh-cong-701778.html