Bí thư, Chủ tịch nhiệm kỳ này làm quy hoạch, Bí thư, Chủ tịch nhiệm kỳ sau lại thay đổi

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý quy hoạch phải có tính ổn định, lâu dài để tránh việc nhiệm kỳ này Bí thư, Chủ tịch làm quy hoạch, nhiệm kỳ sau Bí thư, Chủ tịch khác lại thay đổi.

Chiều 10-5 Quốc hội thảo luận ở Tổ về ba dự luật, trong đó có dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Trước khi đi chủ trì phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu ý kiến về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Tránh việc từng địa phương phải lên làm việc với Trung ương

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thông qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành, nhưng đến nay công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch vẫn có nhiều ách tắc. Yêu cầu sửa luật quy hoạch lần này phải bảo đảm đồng bộ, tích hợp, liên kết các quy hoạch.

Tới đây, nếu Quốc hội đồng ý sửa đổi Hiến pháp 2013 và các luật liên quan thì chính quyền địa phương sẽ còn hai cấp. Với chính quyền xã, phường, đặc khu (như Phú Quốc, Vân Đồn, Vân Phong), quy hoạch phải xác định rõ cơ chế phối hợp trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, tăng cường các yếu tố phát triển bền vững, áp dụng chuyển đổi số, AI vào công tác quy hoạch.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội lưu ý sửa Luật Quy hoạch lần này nhằm phục vụ việc sắp xếp lại địa giới hành chính, phân cấp, phân quyền từ Quốc hội xuống cho Chính phủ, từ Chính phủ xuống cho các bộ, địa phương.

“Phải tránh tình trạng một danh mục đã được Quốc hội quyết định rồi nhưng từng dự án các địa phương lại phải lên làm việc với từng bộ, ngành trung ương”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Do Luật Quy hoạch liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và liên quan đến các luật khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo phải dự kiến sửa đổi toàn diện vào kỳ sau để bảo đảm tính liên thông, đồng bộ.

“Điều tôi quan tâm là quy hoạch phải mang tính minh bạch và đồng bộ để công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, nhất là với các nhóm ảnh hưởng trực tiếp, thiết kế cơ chế giám sát độc lập.

Ở nước ngoài, mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều có sa bàn thể hiện quy hoạch dài hạn để người dân được biết. Ở Việt Nam, nhiều khi ở địa phương, bí thư, chủ tịch nhiệm kỳ này quy hoạch như thế, nhiệm kỳ sau bí thư, chủ tịch khác lên lại thay đổi", Chủ tịch Quốc hội nói và một lần nữa nhấn mạnh "quy hoạch phải công khai, đồng bộ, có tính chất dài hơi để ổn định”.

Ông cũng đề nghị triển khai quy hoạch phải có sự giám sát của Quốc hội, địa phương, MTTQ và các đoàn thể, nhân dân. Vì nếu quy hoạch được giám sát thì nhân dân mới đồng thuận, quy hoạch mới khả thi. Trong sửa luật quy hoạch cần tránh tạo ra mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác và phải thực hiện triệt để định hướng về phân cấp, phân quyền.

Theo dự luật, Quốc hội sẽ phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, như: quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch quốc gia. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền từ Chính phủ cho cấp bộ, tỉnh trong các vấn đề liên quan đến quy hoạch tỉnh. Chủ tịch Quốc hội cho biết Thủ tướng cũng đề cập nhiều lần vấn đề này. Ông đề nghị đánh giá cụ thể các vướng mắc trong thực hiện thẩm quyền đối với các quy hoạch.

Suốt ngày điều chỉnh quy hoạch

“Ủy ban Kinh tế - Tài chính phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát những vướng mắc ở quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai để tháo gỡ. Luật ban hành thì ai cũng phấn khởi nhưng ra rồi thì ai cũng thấy vướng. Gỡ gì, gỡ ở đâu, thì cũng là do con người”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cũng lưu ý khi phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ trong một số quy hoạch thì phải nghiên cứu đưa một số nội dung vào Quy hoạch quốc gia để bảo đảm thẩm quyền của Quốc hội đối với những nguồn lực quan trọng như đất đai, biển và bảo đảm việc phân cấp không vi hiến.

Một số trình tự, thủ tục trong lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch cũng có thể được lược bớt nhưng những điều chỉnh quy hoạch ở quy mô lớn, tác động sâu rộng thì phải cân nhắc. Quy hoạch phải bảo đảm được môi trường, bảo đảm được vùng trời, vùng biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính, cho rằng các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành với các tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau thì khó tích hợp, khó đánh giá và khó áp dụng.

Nêu kết quả của cuộc giám sát đối với các vấn đề về kinh doanh bất động sản mới đây, ông Bảo nói một trong những vướng mắc cần tháo gỡ chính là quy hoạch. “Những quy định trong quy hoạch là rất cứng trong khi thực tiễn thì luôn biến đổi”, ông Bảo nói.

Vì quy hoạch rất cứng như vậy mà các quy định về đầu tư đều đòi hỏi phải bảo đảm “phù hợp quy hoạch”. Luật Đầu tư quy định khi phê duyệt chủ trương đầu tư thì dự án phải phù hợp với quy hoạch.

“Phù hợp với quy hoạch nào? Có nhiều quy hoạch, rồi khi không phù hợp thì lại phải điều chỉnh quy hoạch, thành ra suốt ngày phải điều chỉnh quy hoạch”, ông Bảo nói.

Ngay cả nguyên tắc trong dự luật cho phép có thể xây dựng đồng thời các quy hoạch, ông Bảo nói cũng không giải quyết được vấn đề vì các quy hoạch đều dựa trên những nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau.

“Dự thảo luật chưa đáp ứng được nhu cầu tháo gỡ khó khăn trong thực tế và yêu cầu của 4 Nghị quyết chiến lược của Đảng. Từ khi Luật Quy hoạch ra đời đã sửa rất nhiều lần. Vấn đề nằm ở chỗ quy hoạch là gì, là công cụ quản lý hay định hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia”, ông Bảo đặt vấn đề.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/bi-thu-chu-tich-nhiem-ky-nay-lam-quy-hoach-bi-thu-chu-tich-nhiem-ky-sau-lai-thay-doi-post849051.html