Dòng tiền đầu tư mạnh mẽ quay trở lại thị trường hàng hóa trong ngày đầu năm 2023
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trở lại sau kỳ nghỉ lễ, thị trường hàng hóa biến động rất mạnh trong ngày hôm qua 3/1. Đặc biệt, đà lao dốc của các mặt hàng năng lượng đã kéo chỉ số MXV- Index giảm hơn 2%, xuống 2.396 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư trở lại thị trường mạnh mẽ, thể hiện qua mức tăng rất mạnh, gần gấp đôi so với ngày cuối năm 2022, đạt trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng nhóm năng lượng, giá trị giao dịch đã đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm tới 58% tổng dòng tiền kể trên. Điều này tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của các mặt hàng năng lượng, đặc biệt là dầu thô, đối với nhà đầu tư Việt Nam.
Các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm giá
Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ ở phiên giao dịch đầu tiên sau đợt nghỉ lễ đầu năm mới. Lực bán cũng chiếm ưu thế đối với ngô và giá đóng cửa với mức giảm hơn 1%. Mặc dù nhu cầu ngô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn được kỳ vọng sẽ gia tăng nhưng áp lực cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ đã khiến cho giá suy yếu trở lại.
Theo số liệu mới nhất của chính phủ Brazil, nước này đã xuất khẩu 6,41 triệu tấn ngô trong tháng trước, cao hơn mức 6,06 triệu tấn trong tháng 11 và vượt xa so với mức 2,71 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, báo cáo xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chỉ ra rằng, có 667.010 tấn ngô Mỹ đã lên tàu thông quan và xuất khẩu trong tuần vừa rồi, thấp hơn đáng kể so với mức 922.142 tấn trong báo cáo trước đó. Con số này cũng xấp xỉ với mức thấp nhất trong khoảng dự đoán của thị trường và mức lũy kế từ đầu năm đến nay vẫn đang chậm hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy rằng mặc dù nguồn cung sẵn có đang dồi dào hơn nhưng ngô Mỹ vẫn đang chịu áp lực cạnh tranh khá lớn từ Brazil.
Trong khi đó, lúa mì cũng ghi nhận mức giảm mạnh tới hơn 2% ở phiên hôm qua. Nguồn cung nới lỏng là nguyên nhân chính lý giải cho áp lực bán tháo đối với mặt hàng này.
Theo báo cáo từ Ủy ban châu Âu (EU Commission), xuất khẩu lúa mì mềm tính từ đầu niên vụ đến nay của khối đã đạt mức 16,71 triệu tấn, cao hơn 5,8% so với cùng kì năm ngoái. Nguồn cung nới lỏng hơn sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá lúa mì.
Bên cạnh đó, theo APK-Inform, giá lúa mì Nga đang chịu áp lực suy yếu do chính sách thuế của Bộ Nông nghiệp nước này. Bất chấp sự suy yếu đáng kể của đồng Rúp so với đồng Đô-la Mỹ, giá mua lúa mì thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong hai tuần qua tại các cảng biển của Nga. Điều này chủ yếu là do Bộ Nông nghiệp Nga đã liên tục tăng thuế xuất khẩu lúa mì áp dụng trong tuần 28/12-10/01 và tuần 11/01-17/11. Thêm vào đó, nhu cầu thu mua lúa mì thấp từ các thương nhân đã gây thêm sức ép lên giá. Hầu hết các thương nhân đã có đủ lúa mì để thực hiện các hợp đồng đã ký. Thông tin trên cũng góp phần tạo sức ép lên giá lúa mì Chicago đủ để chính phủ nước này kiểm soát giá.
Cùng chung diễn biến, giá cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Giá đậu tương đã sụt giảm hơn 2% sau 5 phiên tăng giá liên tiếp. Từ khi mở cửa, lực bán đối với đậu tương đã chiếm ưu thế và đà giảm được duy trì đến cuối phiên. Những cải thiện về vụ mùa của Brazil là nguyên nhân khiến giá chịu ép.
Dầu thô lao dốc 4%
Giá dầu lao dốc trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 do sức ép từ các yếu tố vĩ mô và triển vọng kinh tế toàn cầu. Kết thúc phiên 3/1, giá dầu thô WTI giảm 4,15% về 76,93 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 4,43% về 82,1 USD/thùng.
Giá dầu đi ngang trong phần lớn thời gian của ngày khi mà các nhà đầu tư thận trọng cân nhắc các số liệu kinh tế của Trung Quốc. Sức ép bán bắt đầu được gia tăng một cách rõ ràng khi đồng USD tăng mạnh, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index tăng lên mức 104,5 điểm, cao nhất trong gần ba tuần. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô đắt đỏ hơn và làm giảm động lực mua của các nhà giao dịch.
Bên cạnh đó, thị trường cũng phản ánh những lo ngại về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, khi nước này vẫn phải gồng mình để chống chọi với số ca nhiễm đang tăng hàng ngày. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu (xăng, dầu diesel) trong đợt đầu tiên của năm 2023 lên 18,99 triệu tấn, cao hơn 46% so với mức 13 triệu tấn được phân bổ một năm trước đó.
Nhiều nhà phân tích cho rằng động thái tăng xuất khẩu của Trung Quốc đang cho thấy kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ tiếp tục kém đi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hạn ngạch có thể khuyến khích các nhà máy lọc dầu tại quốc gia này tăng công suất và duy trì xuất khẩu nhiên liệu ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm, giảm thiểu tác động của việc cắt giảm xuất khẩu dầu diesel của Nga khi lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu có hiệu lực vào tháng Hai.
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư khi cảnh báo rằng cả ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đang đồng thời giảm tốc.
Triển vọng tiêu thụ ảm đạm trong khi sức ép từ phía nguồn cung không quá nhiều khiến cho giá dầu không nhận được nhiều sự hỗ trợ. Chính phủ Mỹ ước tính sản lượng dầu đá phiến tăng trung bình từ 300.000 - 400.000 thùng/ngày vào năm 2023. Mức tăng khá khiêm tốn do các hoạt động sản xuất gặp khó khăn vì nhiều vấn đề về vận hành và nhân sự. Tuy nhiên, sức mua không được cải thiện, bởi tin tức tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ Chevron đang chuẩn bị tiếp nhận lô hàng dầu thô lên tới 500.000 thùng từ Venezuela đã xoa dịu đi nỗi lo về nguồn cung.
Một diễn biến rất đáng chú ý khác, giá khí tự nhiên dẫn dắt xu hướng toàn thị trường khi giảm sâu gần 11% về dưới mốc 4 USD/MMBtu. Giá gặp sức ép lớn trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu được nới lỏng. Mới đây, theo Bloomberg, Mỹ đã đuổi kịp Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG lớn nhất thế giới. Cả hai quốc gia này đã xuất khẩu tới 81,2 triệu tấn LNG trong năm 2022. Cùng với đó, thời tiết mùa đông ấm áp hơn dự kiến trên khắp các khu vực trên thế giới đang nhanh chóng xoa dịu lo ngại về cuộc khủng hoảng khí tự nhiên toàn cầu.
Giá gas nội địa giảm lần đầu tiên trong năm 2023
Trên thị trường nội địa, cùng chiều xu hướng giá thế giới, bắt đầu từ sáng 01/01, giá gas trong nước đồng loạt được điều chỉnh giảm khoảng 14.000 đồng/bình 12kg và 58.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 447.500 đồng/bình 12kg và không quá 1.864.000 đồng/bình 50kg; đánh dấu kỳ giảm giá đầu tiên của giá gas trong nước trong năm 2023.