'Đồng tiền' mới của kỷ nguyên số

Sau màn rượt đuổi của bộ ba tài sản vàng - chứng khoán - Bitcoin, năm 2025 được dự báo là màn trỗi dậy của một loại đồng tiền mới. 'Nền kinh tế niềm tin' đang thúc đẩy sự phục hưng trong các mối quan hệ, nhân văn hóa lại nền kinh tế toàn cầu vốn chủ yếu mang tính giao dịch.

Màn "so găng" của bộ ba tài sản

Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động với sự rượt đuổi không khoan nhượng của 3 loại tài sản quan trọng nhất: vàng, chứng khoán và Bitcoin. Biến động kinh tế, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, cùng những thay đổi địa chính trị đã tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường tài chính.

Trong bối cảnh lạm phát rời xa mức đỉnh vào mùa hè năm 2022 và thị trường lao động chậm lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) vào tháng 9/2024. Sau quyết định của Fed, giá tài sản toàn cầu đồng loạt lao dốc: Dow Jones bay hơn 1.100 điểm trong một phiên, giá vàng mất mốc 2.600 USD/ounce và Bitcoin đâm thủng ngưỡng 100.000 USD/BTC. Tuy nhiên, cú rơi nhất thời không thể cản đà tiến như vũ bão của 3 loại tài sản hàng đầu trong năm 2024, khi mỗi cái tên đều có những động lực hỗ trợ tương đối vững chắc.

Ông Donald Trump xuất hiện tại buổi họp mặt Bitcoin ở Nashville, Tennessee, ngày 27/7/2024. Ảnh: Reuters.

Ông Donald Trump xuất hiện tại buổi họp mặt Bitcoin ở Nashville, Tennessee, ngày 27/7/2024. Ảnh: Reuters.

Tính từ đầu năm 2024 đến phiên 31/12/2024, 3 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt tăng 23,3%, 28,6% và 12,9%. Theo CNBC, đà thăng hoa được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình đối với động thái hạ lãi suất của ngân hàng trung ương, sức mạnh nền kinh tế và trí tuệ nhân tạo (AI). Sự "lên ngôi" của AI giúp cổ phiếu Nvidia và gã khổng lồ Apple lần lượt bứt phá 171% và 30%, đạt được những mức đỉnh mới của riêng mình trong năm 2024. Sang đến nửa cuối năm, chu kỳ hạ lãi suất của Fed và chiến thắng vang dội của ông Trump đã tiếp thêm sinh lực để thị trường leo lên đỉnh cao mới.

Năm 2024, giá vàng tăng hơn 27%, đạt mức 2.617,20 USD mỗi ounce, vượt qua mức tăng của chỉ số S&P 500 và gần bằng mức tăng của chỉ số Nasdaq Composite. Các nhà phân tích Phố Wall dự báo giá kim loại quý sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, nhưng mức tăng có thể sẽ khiêm tốn hơn so với thành quả tăng 27% của năm 2024.

Tuy nhiên, cái tên đạt thành tích vượt trội hơn trong cả ba là Bitcoin. Đồng tiền ảo lớn nhất thế giới bứt phá 116% trong năm 2024 và chạm mức đỉnh mọi thời đại 107.487 USD/BTC vào ngày 16/12/2024. Nhân tố Trump một lần nữa là động lực thúc đẩy thị trường. Từ một người hoài nghi về các tài sản số, ông Trump nay đã thay đổi suy nghĩ, bổ nhiệm các quan chức ủng hộ tiền ảo vào chính quyền mới và có ý định xây dựng kho dự trữ Bitcoin chiến lược.

"Đồng tiền" mới của kỷ nguyên số

Bitcoin đại diện cho một hình thái niềm tin khác - niềm tin vào một hệ thống tài chính phi tập trung, không bị kiểm soát bởi chính phủ hay ngân hàng trung ương. Đây cũng được dự báo là một xu hướng tài chính chi phối toàn cầu vào năm 2025: khi niềm tin dần trở thành một loại "tài sản" quan trọng, thay vì chỉ dựa vào tiền tệ hay tài sản hữu hình. Trong bối cảnh đó, công nghệ chính là động lực quan trọng nhất giúp giao dịch bằng niềm tin trở thành hiện thực. Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống xác thực danh tính số đã tạo ra những giao dịch minh bạch, an toàn mà không cần bên thứ ba trung gian.

Blockchain là một hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán, trong đó thông tin được lưu trữ dưới dạng các khối (blocks) và được liên kết với nhau theo chuỗi (chain); cho phép các giao dịch diễn ra mà không cần phải tin tưởng một bên thứ ba như ngân hàng hay chính phủ. Hãy tưởng tượng bạn và bạn bè cùng ghi chép lại các giao dịch vào một cuốn sổ chung. Mỗi khi có một giao dịch mới, tất cả mọi người trong nhóm đều ghi lại giống nhau. Nếu ai đó muốn sửa đổi một giao dịch, họ phải thay đổi sổ của tất cả mọi người, điều này gần như không thể.

Các nhà môi giới chuyên nghiệp làm việc bên trong Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Mỹ.

Các nhà môi giới chuyên nghiệp làm việc bên trong Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Mỹ.

Một ví dụ điển hình là ngành bảo hiểm. Theo Reuters, các công ty như AXA và Allianz đã ứng dụng hợp đồng thông minh để tự động thực thi các điều khoản bảo hiểm khi các điều kiện được đáp ứng, giảm thiểu sự can thiệp của con người và tăng tốc độ xử lý yêu cầu bồi thường. Điều này giúp tiết kiệm hàng triệu USD chi phí vận hành. Đơn cử, AXA triển khai sản phẩm Fizzy, một nền tảng sử dụng hợp đồng thông minh (smart contract) để bồi thường tự động khi chuyến bay bị hoãn quá 2 giờ. Nếu dữ liệu từ hệ thống hàng không xác nhận chuyến bay bị hoãn, hợp đồng thông minh ngay lập tức chuyển tiền bồi thường vào tài khoản của khách hàng. Hay, Allianz cũng đang thử nghiệm bảo hiểm xe hơi thông minh, theo đó hợp đồng sẽ tự động kiểm tra dữ liệu từ cảm biến trên xe và cảnh sát để xác định lỗi trong vụ tai nạn, từ đó xử lý bồi thường nhanh chóng mà không cần nhiều giấy tờ thủ tục.

Bên cạnh đó, AI cũng đang trở thành một công cụ quan trọng trong việc xây dựng và duy trì niềm tin. The New York Times cho biết, các hệ thống xếp hạng tín nhiệm hiện đại không chỉ dựa vào lịch sử tài chính mà còn xem xét các yếu tố như hành vi trực tuyến, đánh giá từ đối tác và lịch sử giao dịch trên các nền tảng kỹ thuật số. Tại Trung Quốc, hệ thống đánh giá điểm tín dụng xã hội - "Social Credit Score" của chính phủ đã được triển khai trên diện rộng, cho phép người dân có thể vay tiền, thuê nhà và thậm chí được quyền lợi xã hội dựa trên điểm uy tín số.

Tài chính phi tập trung (DeFi) đang mở ra kỷ nguyên mới, nơi mà người dùng có thể giao dịch, vay mượn mà không cần thông qua ngân hàng. Theo CoinDesk (2024), tổng giá trị tài sản bị khóa (TVL) trên các nền tảng DeFi đã đạt hơn 300 tỷ USD, phản ánh sự tin tưởng ngày càng lớn của nhà đầu tư vào hệ thống tài chính phi tập trung.

Cơ hội và thách thức

Niềm tin, một nhân tố cốt lõi trong tất cả các giao dịch, giờ đây có thể được "mã hóa" và bảo vệ bởi công nghệ. Việc ứng dụng blockchain và hợp đồng thông minh cho phép các giao dịch diễn ra mà không cần sự can thiệp của ngân hàng hay các bên trung gian, từ việc mua bán bất động sản đến vay mượn tài chính. AI có thể xác thực danh tính một cách nhanh chóng và chính xác, giúp giảm thiểu các rủi ro gian lận.

Trong khi đó, các mô hình tài chính phi tập trung (DeFi) mở ra cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cho hàng triệu người không có tài khoản ngân hàng. Hay, nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn mà không cần qua ngân hàng nhờ hình thức gọi vốn phi tập trung (ICO, STO).
Tuy nhiên, không phải không có thách thức. Mặc dù blockchain và AI có thể xây dựng niềm tin, nhưng chúng cũng có thể bị lợi dụng. Các cuộc tấn công mạng, như việc truy cập trái phép vào hệ thống blockchain, hay sự trỗi dậy của deepfake, có thể khiến niềm tin bị lung lay. Hơn nữa, khi công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá niềm tin, liệu chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào các thuật toán để đưa ra quyết định chính xác, như trong trường hợp từ chối khoản vay mà không có sự can thiệp của con người?

Một vấn đề lớn khác là sự thiếu hụt quy định rõ ràng đối với tài sản số và blockchain, khiến cho việc bảo vệ người tiêu dùng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, sự phân hóa trong xã hội cũng có thể gia tăng, khi những người có "điểm tín nhiệm" cao được hưởng nhiều lợi ích hơn, trong khi những người bị đánh giá thấp hoặc mắc lỗi trong quá khứ khó có cơ hội làm lại. Nhiều dự báo cũng cho rằng sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ trong việc đánh giá uy tín có thể gây ra các tranh cãi về bảo mật quốc phòng, an ninh dữ liệu và quyền riêng tư.

Với sự "cất cánh" của công nghệ, giao dịch bằng niềm tin là một xu hướng không thể đảo ngược.

Với sự "cất cánh" của công nghệ, giao dịch bằng niềm tin là một xu hướng không thể đảo ngược.

Tuy vậy, với sự "cất cánh" của công nghệ, giao dịch bằng niềm tin là một xu hướng không thể đảo ngược. Sự phát triển bền vững của xu thế này phụ thuộc vào việc xây dựng môi trường minh bạch, chính sách đảm bảo sự công bằng và công nghệ bảo mật cao. Báo cáo mới đây của của Digital Cooperation Organization nhận định "nền kinh tế niềm tin" là một trong 6 xu hướng sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế số. "Nền kinh tế niềm tin" đang thúc đẩy sự phục hưng trong các mối quan hệ, nhân văn hóa lại nền kinh tế toàn cầu vốn chủ yếu mang tính giao dịch.

Năm 2025 có thể chưa phải là thời điểm "niềm tin" hoàn toàn thay thế các hình thức giao dịch truyền thống, nhưng chắc chắn đây sẽ là cột mốc quan trọng để xu hướng này trở thành một chuẩn mực trong tương lai. Với những bước tiến vững chắc của nền kinh tế phi tập trung, nơi mà blockchain và DeFi sẽ ngày càng thay thế các trung gian truyền thống như ngân hàng, sàn giao dịch, hay các tổ chức tài chính, thì niềm tin dự báo tiếp tục trở thành một yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số trong tương lai.

Minh Hà

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/dong-tien-moi-cua-ky-nguyen-so-i758709/