Dòng tiền nhàn rỗi tiếp tục chọn 'bến đỗ' an toàn
Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, theo các chuyên gia, việc người dân lựa chọn kênh đầu tư cần cân nhắc một cách thận trọng, yếu tố an toàn và hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư phù hợp với số đông, nơi trú ẩn lý tưởng của dòng tiền nhàn rỗi.
Lượng tiền gửi tiếp tục tăng
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến tháng 5/2025, người dân đã gửi hơn 7,6 triệu tỷ đồng tại các tổ chức tín dụng, tăng 7,61% so với cuối năm 2024. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7,74 triệu tỷ đồng, tiền gửi của dân cư đạt hơn 7,6 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 0,97% và 7,61% so với cuối năm 2024.
Có thể thấy, chứng khoán hay bất động sản, vàng là những kênh đầu tư phổ biến tại Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các kênh đầu tư này đều chịu phải đối mặt với sự biến động thị trường mạnh, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, quy hoạch đất đai, rủi ro thanh khoản… Theo chuyên gia, đây là những kênh đầu tư không dành cho số đông, tùy vào khẩu vị rủi ro và trình độ hiểu biết của mỗi người dân.

Tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn của dòng tiền nhàn rỗi
Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bất động sản tuy có chuyển biến tích cực sau khi nhiều luật mới có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, giá bất động sản hiện đang ở mức rất cao cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc khi xuống tiền và không phải ai cũng có đủ nguồn lực để đầu tư.
Về trái phiếu, đây là kênh có tỷ suất sinh lời tốt, được đẩy mạnh nhưng thị trường này được đánh giá chưa hồi phục hoàn toàn và chỉ sôi động ở một số trái phiếu của tập đoàn lớn, có uy tín. Đối với chứng khoán, kênh đầu tư này cũng có nhiều điểm sáng tích cực. Tuy nhiên, đây không phải là lĩnh vực đầu tư dành cho số đông, nhà đầu tư phải có những am hiểu nhất định về thị trường mới dám “xuống tiền”. Về vàng, theo các chuyên gia, trong thời gian qua đã có giai đoạn giá vàng tăng, giảm thất thường khiến nhà đầu tư khó thích nghi. Trong khi thế giới có nhiều yếu tố bất định như hiện nay, thị trường vàng sẽ càng biến động khó lường nên rõ ràng đây cũng không phải kênh đầu tư hấp dẫn với số đông; trừ khi người mua để tích lũy dài hạn.
Đối với tiết kiệm, không chỉ đảm bảo yếu tố an toàn, kênh tiết kiệm ngân hàng hiện còn thu hút sự quan tâm nhờ loạt sản phẩm mới linh hoạt, tiện ích. Đây cũng chính là lý do dòng tiền nhàn rỗi tìm đến kênh đầu tư này trong thời gian vừa qua.
Tại các ngân hàng thương mại, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2025 vừa công bố cũng cho thấy mức tăng đáng kể của lượng tiền gửi khách hàng. Đơn cử như tại Techcombank, tiền gửi khách hàng đã tăng 2,19% lên hơn 545.000 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu) tăng mạnh 22,73%, đạt hơn 172.000 tỷ đồng. Điều này đã góp phần giúp tổng tài sản của Techcombank vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Cũng chung xu hướng, tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản hợp nhất của VPBank cũng đã vượt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, một phần nhờ huy động vốn từ khách hàng đạt hơn 600.000 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cuối năm 2024, vượt mức 19% của tăng trưởng tín dụng.
Thông tin từ NCB cho hay, tổng huy động vốn (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) của ngân hàng ước đạt hơn 120.148 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6% so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng hơn 19.726 tỷ đồng trong bối cảnh mức lãi suất huy động chung trên thị trường đang ở mức thấp.
Thấu hiểu sự khác biệt để giữ chân khách hàng
Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 6, trung bình lãi suất kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại giảm 0,17 điểm % so với đầu năm. Việc giữ mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp đã tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm.
Mặc dù mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có dấu hiệu ổn định, MBS Research cho rằng đây chưa phải là mức thấp nhất và vẫn còn dư địa để giảm thêm trong quý III/2025. Nhận định này dựa trên việc tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh kể từ tháng 4, nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định và gần đây thậm chí còn cho thấy xu hướng giảm rõ rệt. Các chuyên gia cũng cho rằng lãi suất tiền gửi thời gian tới sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ.
Vậy, giải pháp nào để giữ chân dòng tiền nhàn rỗi ở lại với ngân hàng? TS.
Châu Đình Linh, Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh gợi ý, cần phân chia khách hàng theo từng phân khúc với sự thấu hiểu sâu sắc nhu cầu riêng biệt của tệp khách hàng mục tiêu. Từ đó, đưa ra các sản phẩm phù hợp bao gồm tài khoản, tiết kiệm, thẻ tín dụng, vay thế chấp, vay tín chấp... Khi sử dụng một dịch vụ, khách hàng có thể kết nối với sản phẩm, dịch vụ khác và nhận nhiều giá trị tăng thêm chắc chắn sẽ giữ chân được các khách hàng cũng như dòng tiền ở lại ngân hàng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng cần gia tăng thêm các sản phẩm tiền gửi tiện lợi với người dùng. Đơn cử như một trong những “hot trend” trong thời gian qua được các nhà băng triển khai đó là tính năng tự động sinh lời.
Chia sẻ về hướng đi này, ông Hồ Vân Long - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, một phần rất lớn trong tổng lượng tiền của nền kinh tế đang nằm trong các tài khoản thanh toán mà không sinh lợi. Đây là một sự lãng phí rất lớn về mặt tài chính. Vì thế, theo ông Long, nếu dòng tiền này được vận hành thông minh, không chỉ cá nhân hưởng lợi mà cả hệ thống kinh tế cũng sẽ trở nên năng động hơn. Khi nhiều người dân biết cách tận dụng tài sản tài chính của mình, tổng cầu tăng lên, dòng vốn luân chuyển hiệu quả hơn, và điều này tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực cho toàn bộ nền kinh tế.
Đối với người dân, các chuyên gia khuyến cáo, thay vì chạy theo tâm lý đám đông, nhà đầu tư cần tỉnh táo trong việc phân bổ tài sản theo hướng không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ” mà cần kết hợp các kênh đầu tư để mang lại hiệu quả đầu tư tốt nhất, đồng thời giảm rủi ro không đáng có.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dong-tien-nhan-roi-tiep-tuc-chon-ben-do-an-toan-167937.html